Tội ra bản án trái pháp luật 

Tội ra bản án trái pháp luật

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự

Ra bản án trái pháp luật là ban hành bản án mà Thẩm phán hoặc Hội thẩm biết rõ là trái pháp luật.

Tội ra bản án trái pháp luật là tội phạm đã được quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985.

So với Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 295 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội phạm này, có những sửa đổi, bổ sung như sau:

-Về cơ cấu, Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985 gồm 2 khoản, còn Điều 295 Bộ luật hình sự năm 1999 gồm 4 khoản trong đó khoản 4 là hình phạt bổ sung, bổ sung khoản 3 với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt: “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; sửa đổi khái niệm “cố ý” bằng khái niệm “mà mình biết rõ là trái pháp luật”; tách hành vi “ra quyết định trái pháp luật” ra thành tội phạm riêng (tội ra quyết định trái pháp luật) quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự.

-Về hình phạt, do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm này nên mức hình phạt của từng khung hình phạt so với Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985 nặng hơn nhiều. Nếu khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ sáu tháng đến ba năm, thì khoản 1 Điều 295 Bộ luật hình sự năm 1999 là từ một năm đến năm năm (bằng khung hình phạt tại khoản 1 Điều 370 BLHS 2015); nếu khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm, thì khoản 2 Điều 295 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm (khoản 2 Điều 370 BLHS 2015 bằng khung hình phạt từ 5-10 năm tù), còn khoản 3 Điều 295 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm (khoản 2 Điều 370 BLHS 2015 bằng khung hình phạt từ 10 – 15 năm tù).

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

 1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này cũng là chủ thể đặc biệt và đặc biệt hơn nữa là chỉ có Thẩm phán hoặc Hội thẩm (Hội thẩm nhân dân hoặc Hội thẩm quân dân) mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

Điều luật quy định chỉ có Thẩm phán nhưng không vì thế mà cho rằng đối với các chức vụ như: Chánh án, Phó chánh án, Chánh toà, Phó Chánh toà không phải là chủ thể của tội phạm này. Nếu Chánh án, Phó chánh án, Chánh toà, Phó Chánh toà được giao xét xử vụ án (tức là họ thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán) mà ra bản án trái pháp luật thì vẫn là chủ thể của tội phạm này. Ví dụ: Nguyễn Văn Th là Phó chánh án Toà án nhân dân huyện A.P tỉnh A.G được giao trực tiếp giải quyết hai vụ án dân sự, và mặc dù không mở phiên toà nhưng Nguyễn Văn Th vẫn ra hai bản án số 20/DSST ngày 03 tháng 02 năm 2005 và số 21/DSST ngày 03 tháng 02 năm 2005.

Trường hợp tuy Chánh án, Phó chánh án, Chánh toà, Phó Chánh toà không trực tiếp xét xử vụ án nhưng đã ra lệnh cho Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà hành vi của họ có thể là đồng phạm với Thẩm phán về tội ra bản trái pháp luật hoặc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.

Trường hợp, Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật theo chỉ đạo của Chánh án, Phó Chánh thì Thẩm phán và Hội thẩm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật, còn Chánh án, Phó Chánh tuỳ từng trường hợp cụ thể mà phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật hoặc là đồng phạm về tội ra bản án trái pháp luật.

Trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm đã hết nhiệm kỳ nhưng cố tình xét xử và ra bán án trái pháp luật thì không coi là hành vi ra bản án trái pháp luật vì họ không thoả mãn dấu hiệu về chủ thể của tội phạm, mà hành vi của họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi người thi hành công vụ.

Khác với tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội và tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, đối với tội ra bản án trái pháp luật thực tiễn đã xảy ra và một số vụ án Thẩm phán ra bản án trái pháp luật cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật. Tuy nhiên, các trường hợp ra bản án trái pháp luật đã bị xử lý về hình sự chỉ là những bản án dân sự, hôn nhân và gia đình, chưa có trường hợp nào Thẩm phán ra bản án hình sự trái pháp luật mà bị xử lý hình sự cả, vì cũng như đối với hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội và không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, Thẩm phán hoặc Hội thẩm kết án người mà mình biết rõ là không có tội hoặc không kết án người mà mình biết rõ là có tội thực tế rất khó chứng minh, trừ trường hợp có sự móc nối giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán bàn bạc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Trường hợp nếu Thẩm phán hoặc Hội thẩm móc nối với Điều tra viên, Kiểm sát viên để kết án người không có tội hoặc không kết án người có tội thì Thẩm phán hoặc Hội thẩm vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật, còn Điều tra viên, Kiểm sát viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội hoặc tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Tội ra bản án trái pháp luật không chỉ xâm phạm đến uy tín của Toà án, mà còn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân.

Đối tượng tác động của tội phạm này là bản án. Bản án là một văn bản tố tụng do Thẩm phán, Hội thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành bao gồm: bản án hình sự, bản án dân sự, bản án hôn nhân và gia đình, bản án kinh tế, bản án lao động và bản án hành chính.

Cũng coi là đối tượng tác động của tội phạm này, đối với các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, bởi lẽ tuy tên văn bản là “quyết định” nhưng toàn bộ nội dung của nó không khác gì bản án.

Bản án, là một văn bản có bố cục gồm phần mở đầu, phần nội dụng vụ án hoặc vụ kiện (nhận thấy), phần xét thấy (nhận định, đánh giá, chứng minh) và phần quyết định. Thông thường một bản án trái pháp luật được thể hiện chủ yếu ở phần quyết định, vì phần này có ý nghĩa quyết định toàn bộ nội dung xét xử của Hội đồng xét xử và nó là nội dung mà cơ quan thi hành án và những người tham gia tố tụng căn cứ vào đó để thi hành. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tính trái pháp luật lại ở phần mở đầu như: xác định không đúng, không đầy đủ người tham gia tố tụng, hoặc tính trái pháp luật thể hiện ở phàn xét thấy như đưa ra những căn cứ không đúng sự thật để chứng minh cho kết luận trái pháp luật. Vì vậy, bản án trái pháp luật là bản án không đúng pháp luật ở bất cứ phần nào, chứ không chỉ ở phần quyết định của bản án.

Trước khi Bộ luật hình sự năm 1999 được ban hành thì đối tượng tác động của tội phạm này còn bao gồm cả những quyết định có tính chất như bản án do Thẩm phán và Hội thẩm ban hành như: quyết định hoà giải thành, quyết định kê biên tài sản, quyết định xử lý vật chứng, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh, quyết định tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù, quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù .v.v… Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1999 đã quy định tội “ra quyết định trái pháp luật”, thì các quyết định trên thuộc đối tượng tác động của tội “ra quyết định trái pháp luật”.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật có thể bằng cách viết ra, tuyên án, ban hành bản án mà biết rõ là trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu mới viết ra nhưng chưa tuyên án, chưa ban hành thì chưa phải là ra bản án.

Bản án được ví như là sản phẩm cuối cùng của quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng đó là kết quả trực tiếp của hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử. Do đó trách nhiệm trực tiếp đối với bản án là của các thành viên của Hội đồng xét xử. Vì là “sản phẩm” nên bản án phải là một văn bản có giá trị thi hành, nếu mới viết ra (soạn thảo) mà chưa tuyên đọc hoặc chưa ban hành thì chưa coi là đã “ra bản án”, mà đó chỉ là dự thảo bản án. Trường hợp bản án đã được thông qua trong phòng nghị án, có đủ các chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử nhưng vì lý do nào đó mà bản án đó chưa được tuyên đọc, chưa được ban hành, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức có liên quan chưa nhận được và toàn các quyết định của bản án đó chưa được thi hành thì là trường hợp phạm tội chưa đạt.

Để ra được một bản án trái pháp luật, Thẩm phán hoặc Hội thẩm phải bằng những thủ đoạn khác nhau, vì bản án khác với quyết định. Quyết định có thể do một người ban hành nhưng bản án là văn bản của cả một tập thể (Hội đồng xét xử ba người hoặc năm người; nếu là quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì có thể nhiều hơn). Vì vậy, để ra một bản án trái pháp luật mà không bị phát hiện thì người phạm tội phải thực hiện nhiều thủ đoạn khác nhau. Ví dụ: Nếu chỉ có Thẩm phán chủ toạ phiên toà có hành vi ra bản án trái pháp luật thì họ phải nói dối với các Hội thẩm, Thẩm phán khác hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để các Hội thẩm, Thẩm phán khác ký vào bản án và biên bản nghị án.

Trường hợp Thẩm phán đã tuyên đọc bản án trái pháp luật nhưng sau khi tuyên án, vì sợ bị trách nhiệm nên đã sửa chữa bản án (bản án được phát hành) theo hướng không trái pháp luật thì người Thẩm phán đó vẫn phạm tội ra bản án trái pháp luật, bởi lẽ bản án tuy chưa ban hành nhưng đã công bố (tuyên án) là đã hoàn thành hành vi ra bản án.

Liên quan đến hành vi ra bản án trái pháp luật là việc nghị án. Theo quy định của pháp luật thì nghị án là cơ sở cho việc ra bản án; bình thường thì nội dung nghị án được xác định là tài liệu gốc, nếu giữa bản án và biên bản nghị án có sự khác nhau thì căn cứ bào biên bản nghị án để xác định. Vì vậy, nếu Thẩm phán tuyên đọc bản án hoặc ban hành bản án trái pháp luật nhưng biên bản nghị án lại không trái pháp luật thì chỉ có Thẩm phán chịu trách nhiệm về việc ra bản án trái pháp luật đó, còn Hội thẩm không chịu trách nhiệm về bản án trái pháp luật đó. Tuy nhiên, hành vi nghị án và biên bản nghị án chưa phải là hành vi ra bản án. Vì vậy, nếu Hội đồng xét xử mới nghị án nhưng chưa ra bản án thì tuỳ trường hợp mà các thành viên của Hội đồng xét xử bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 371 BLHS 2015).

b. Hậu quả

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Tuy nhiên, nếu hậu quả xảy ra thì tuỳ trường hợp, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

c. Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội ra bản án trái pháp luật ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan rất quan trọng, đó là tính trái pháp luật của bản án mà Thẩm phán, Hội thẩm ban hành.

Một bản án bị coi là trái pháp luật là bản án có nội dung không đúng với quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nói chung, bản án trái pháp luật là bản án có những sai lầm nghiêm trọng về việc áp dụng Bộ luật hình sự và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng tới mức phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm như:

– Kết án một người mà biết rõ là không có tội hoặc không kết án một người mà biết rõ là có tội.

– Áp dụng không đúng điều khoản của Bộ luật hình sự theo hướng nặng hơn hoặc nhẹ hơn đối với người phạm tội. Ví dụ: người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự nhưng lại áp dụng khoản 4, khoản 2 hoặc khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự; áp dụng không đúng loại hình phạt hoặc áp dụng hình phạt quá nặng hoặc nhẹ đối với người phạm tội hoặc cho hưởng án treo không đúng với quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 65 BLHS 2015); áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; áp dụng không đúng các biện pháp tư pháp quy định trong Bộ luật hình sự.

– Gây thiệt hại cho đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính. Ví dụ: Truất quyền thừa kế của người mà theo pháp luật về thừa kế họ có quyền thừa kế; cho ly hôn khi không đủ các điều kiện mà pháp luật về hôn nhân gia đình quy định cho ly hôn; huỷ hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế khi các Hội đồng đó không vi phạm điều cấm; buộc người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động mà người sử dụng đã buộc thôi việc đúng pháp luật về lao động và hợp đồng lao động; bác yêu cầu của người đi kiện về một quyết định hành chính trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân .v.v…

– Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi xét xử, nghị án và ra bản án như: Thẩm phán và Hội thẩm thuộc trường hợp phải từ chối xét xử hoặc bị thay đổi nhưng vẫn tham gia xét xử; xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng không đúng với quy định của luật tố tụng; tại phiên toà không thực hiện đúng trình tự các bước cần tiến hành để xét xử một vụ án.

4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội ra bản án trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra bản án của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Điều luật quy định “biết rõ là trái pháp luật” tức là, người phạm tội phải biết rõ bản án mà mình ban hành là trái pháp luật; nếu vì lý do khách quan hoặc do trình độ nghiệp vụ non kém mà Thẩm phán, Hội thẩm không biết rõ là trái pháp luật thì không phạm tội ra bản án trái pháp luật.

Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều bản án trái pháp luật ở mức độ khác nhau, trong đó có không ít bản án bị Toà án cấp phúc thẩm hoặc cấp giám đốc thẩm huỷ để điều tra lại hoặc để xét xử lại, thậm chí có bản án kết án oan người vô tội nhưng hầu hết những Thẩm phán ra các bản án này thường chỉ nhận là do nhận thức, do trình độ nghiệp vụ non kém, chứ không có ai nhận là “biết rõ là trái pháp luật”. Tuy nhiên về nguyên tắc, có trường hợp dù Thẩm phán có không thừa nhận thì vẫn có thể buộc họ là “biết rõ là trái pháp luật” như: không xét xử mà ra bản án; người tham gia tố tụng không có mặt phiên toà thì bản án lại ghi là có mặt; Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là ông A thì bản án lại ghi là ông B; Biên bản nghị án thống nhất phạt tù giam bị cáo thì bản án lại ghi là phạt tù nhưng cho hưởng án treo . v.v…

Tuy điều luật không quy định động cơ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng không vì thế mà không cần xác định động cơ của người phạm tội. Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi ra bản án trái pháp luật tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều xuất phát từ động cơ xấu như vì vụ lợi, vì thù tức hoặc vì động cơ cá nhân khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc xác định động cơ phạm tội có một ý nghĩa rất quan trọng để xác định ý thức củ quan của người phạm tội cớ biết rõ bản án mà mình ra là trái pháp luật hay không.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người phạm tội vì động cơ thành tích, muốn giải quyết nhanh để giảm tỷ lệ án tồn động như trường hợp đối với Nguyễn Văn Th, Phó chánh án Toà án nhân dân huyện A.P tỉnh A.G đã nêu ở trên. Căn cứ vào động cơ phạm tội mà có thể xác định người phạm tội có biết rõ bản án mà mình ban hành có trái pháp luật hay không.

Nếu Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhận hối lộ mà ra bản án trái pháp luật thì ngoài tội ra bản án trái pháp luật còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Thực tiễn xét xử còn có trường hợp do thiếu trách nhiệm, không kiểm tra khi ban hành bản án nên có sự nhầm lẫn tới mức phải kháng nghị giám đốc thẩm, vì bản án đó bị coi là trái pháp luật nhưng Thẩm phán ra bản án đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật, mà chỉ bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm. Ví dụ: Trong bản án hình sự phúc thẩm số 1736/2005/HSPT ngày 19-10-2005, ghi hội đồng xét xử gồm: Chủ toạ phiên toà là ông Tô Chánh Tr; các Thẩm phán là ông Hoàng Văn Tr, bà Lương Ngọc Tr nhưng trên thực tế thì chủ toạ phiên toà là ông Hoàng Văn Tr, còn các Thẩm phán là ông Trương Vĩnh Th, bà Lương Ngọc Tr

You cannot copy content of this page