Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai

Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai

I. NỘI DUNG VỤ ÁN

Năm 2003, bà Lê Thị L và ông Nguyễn Vinh M có nhận chuyển nhượng diện tích đất khoảng 2,9ha (trừ đường đi còn 02 ha) tại xã P, huyện Đ của ông Phan Văn C. Diện tích đất này ông C chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng đã có Giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất số 104/ĐKRĐ ngày 05/8/1987 do Hội đồng đăng ký ruộng đất xã P cấp. Sau đó, ngày 16/5/2003, ông M và bà L đã lập “Giấy thỏa thuận phân chia đất mua chung” theo sơ đồ tự vẽ và hai bên sử dụng ổn định, không có tranh chấp.

Ông M, bà L đã nhiều lần liên hệ với UBND các cấp để nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ nhưng không được tiếp nhận, với lý do diện tích đất nằm trong quy hoạch, phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Ngày 06/02/2018, UBND tỉnh B ban hành Quyết định số 334/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Đ, theo đó diện tích 33,74 ha đất xâm canh của Công ty Cao su (trong đó có diện tích đất của bà L, ông M) không nằm trong quy hoạch dự án Cụm công nghiệp.

Ngày 01/02/2018, Bà L đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất bà đã nhận chuyển nhượng. Ngày 20/6/2018, ông M có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Tòa án buộc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho ông M theo Giấy thỏa thuận ngày 16/5/2003.

Người bị kiện UBND huyện Đ cho rằng diện tích đất của ông M, bà L đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ, nhưng UBND huyện chưa giải quyết do UBND huyện chưa được UBND tỉnh B giao đất về cho địa phương để cấp GCNQSDĐ cho người dân.

II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN

  1. Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2018/HC-ST ngày 14/8/2018, của TAND tỉnh B quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị L và yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Vinh M; Buộc UBND huyện Đ thực hiện hành vi hành chính cấp GCNQSDĐ cho bà L. đối với diện tích 10.189,1m2 và ông M đối với diện tích 11.855,6m theo Bản đồ địa chính ngày 09/7/2018 của Trung tâm kỹ thuật địa chính – Sở Tài nguyên và Môi trường

Sau khi xét xử sơ thẩm, UBND huyện Đ kháng cáo bản án sơ thẩm.

2. Bản án hành chính phúc thẩm số 55/2019/HC-PT ngày 28/01/2019 của TAND cấp cao quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của UBND huyện Đ, sửa bản án sơ thẩm; Chấp nhận khởi kiện của bà L và yêu cầu độc lập của ông M; Buộc UBND huyện Đ thực hiện hành vi hành chính cấp GCNQSDĐ cho bà I. và ông M đối với diện tích đất theo “Giấy thỏa thuận phân chia đất mua chung” ngày 16/3/2003.

Sau khi xét xử phúc thẩm, UBND huyện Đ có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên.

Ngày 13/9/2021, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm số 42/2021/KN-HC với nội dung Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên xử đều không đúng, vượt quá thẩm quyền của Hội đồng xét xử, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử GĐT hủy Bản án hành chính phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 45/2021/HC-GĐT ngày 17/11/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 42/2021/KN-HC ngày 13/9/2021 của Chánh án TAND tối cao; Hủy toàn bộ Bản án hành chính phúc thẩm do vi phạm nghiêm trọng về nội dung, xét xử vượt quá thẩm quyền; Giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ và Công văn số 786 ngày 09/4/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh B; Công văn số 232 ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh B để buộc UBND huyện Đ thực hiện hành vi cấp GCNQSDĐ cho bả L và ông M là không đúng. Bởi lẽ, theo nội dung Công văn số 232 thì UBND tỉnh B mới chỉ giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu để UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất về UBND huyện Đ quản lý; Sở Tài nguyên và Môi trưởng không phải là cơ quan có thẩm quyền giao đất theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. Tại thời điểm khởi kiện, UBND tỉnh B chưa ban hành quyết định giao đất nên UBND huyện Đ chưa thể cấp GCNQSDĐ cho bà L và ông M.

Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: “Buộc UBND huyện Đ thực hiện hành vi hành chính cấp GCNQSDĐ cho bà L và ông M căn cứ theo bản đồ địa chính ngày 09/7/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường”. Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, tuyên: “Buộc UBND huyện Đ thực hiện hành vi hành chính cấp GCNQSDĐ cho bà L và ông M đối với diện tích đất theo Giấy thỏa thuận phân chia đất mua chung lập ngày 16/3/2003″ đều không đúng, vượt quá thẩm quyền. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ tuyên buộc UBND huyện Đ thực hiện nhiệm vụ, công vụ cấp GCNQSDĐ cho bà L và ông M theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, Bản án sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, tuy đã được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa án sơ thẩm, nhưng cấp phúc thẩm vẫn mắc sai lầm, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm có quan điểm thống nhất với Tòa án. Những vấn đề nêu trên, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án, Viện kiểm sát cần lưu ý, rút kinh nghiệm chung và có quan điểm khi vụ ăn được Tòa án giải quyết lại theo Quyết định giám đốc thẩm.

You cannot copy content of this page