NỘI DUNG VỤ ÁN DÂN SỰ
Nguyên đơn bà Phan Thị Bé khởi kiện yêu cầu bị đơn bà Nguyễn Thị Thế, ông Trần Vinh trả cho nguyên đơn số tiền nợ vay 1.655.000.000 đồng và 02 cây vàng SJC cùng lãi suất theo quy định pháp luật theo 15 giấy mượn tiền (gồm 06 giấy mượn tiền có ghi thời hạn trả nợ với số tiền 420.000.000 đồng, 08 giấy mượn tiền không ghi thời hạn trả nợ với số tiền 1.225.000.000 đồng, 01 giấy mượn tiền ngày 09/01/2013 âm lịch với số tiền 10.000.000 đồng nhưng nội dung không rõ rảng, không có chữ ký của bà Thế) và 01 giấy mượn vàng.
Bị đơn ông Trần Vinh và bà Nguyễn Thị Thể không thừa nhận các giấy vay tiền bà Bé đã cung cấp, vì cho rằng: Thời hiệu khởi kiện đối với các hợp đồng vay đã hết; chữ ký trên các giấy vay tiền không phải của ông Vinh, bà Thế; người đứng tên trên các giấy vay tiền là bà Tý không phải nguyên đơn; bà Bé không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh đã giao tiền cho ông Vinh, bà Thế.
QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2021/DS-ST ngày 02/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Y quyết định:
“Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Bé. Buộc ông Trần Vinh, bà Nguyễn Thị Thể phải có nghĩa vụ trả cho bà Phan Thị Bé 2.818.617.057 đồng (trong đó: Gốc 1.564.162.329 đồng, lãi 1.254.454.728 đồng) và 02 cây vàng SJC”
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các bên đương sự.
Ngày 08/11/2021, bị đơn ông Trần Vinh và bà Nguyễn Thị Thế kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.
Bản án dân sự phúc thẩm số 117/2022/DS-PT ngày 21/6/2022 của TAND tỉnh Y quyết định:
“1. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Vinh, bà Nguyễn Thị Thế. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2021/DS-ST ngày 02 tháng 11 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố X, tỉnh Y.
2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Thị Bé. Buộc ông Trần Vinh, bà Nguyễn Thị Thế phải có nghĩa vụ trả cho bà Phan Thị Bé 2.242.381.000 đồng (trong đó: gốc 1.645.000.000 đồng, lãi 597.381.000 đồng) và 02 cây vàng SJC”.
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án.
Ngày 02/8/2022, bà Nguyễn Thị Thế có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 117/2022/DS-PT ngày 21/6/2022 của TAND tỉnh Y.
Ngày 02/02/2023, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKS-DS đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, sửa một phần Bản án dân sự phúc thẩm số 117/2022/DS-PT ngày 21/6/2022 của TAND tỉnh Y theo hướng xác định lại thời điểm vi phạm nghĩa vụ trả nợ của bị đơn đối với các khoản vay không kỳ hạn.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 13/2023/DS-GĐT ngày 20/3/2023 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKS-DS ngày 02/02/2023 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng; sửa Bản án dân sự phúc thẩm số 117/2022/DS-PT ngày 21/6/2022 của TAND tỉnh Y, buộc ông Vinh, bà Thể trả cho bà Bé số tiền 2.061.785.000 đồng (trong đó nợ gốc 1.645.000.000 đồng; nợ lãi đối với các khoản vay có kỳ hạn 341.507.000 đồng; nợ lãi đối với các khoản vay không kỳ hạn 75.278.000 đồng) và 02 cây vàng SJC.
Những vấn đề cần rút lưu ý :
– Về yêu cầu trả nợ gốc: Tòa án cấp phúc thẩm buộc ông Trần Vinh, bà Nguyễn Thị Thế trả cho bà Phan Thị Bé 1.645.000.000 đồng nợ gốc và 02 cây vàng SJC theo 14 Giấy mượn tiền gồm: Giấy mượn tiền ngày 15/11/2003, 02 Giấy mượn tiền cùng ngày 26/6/2009 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 14/01/2013 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 19/01/2013, Giấy mượn tiền ngày 24/10/2013, Giấy mượn tiền ghi đầu tháng 12/2013 (không đề ngày), Giấy mượn tiền 12/1 (không ghi năm), Giấy mượn tiền ngày 12/1/2014, Giấy mượn tiền ngày 13/3/2014 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 24/4/2014 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 24/5/2014 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 20/7 (không ghi năm), Giấy mượn tiền ngày 26/12/2014 (âm lịch) và 01 Giấy mượn vàng ngày 10/10/2014 là có căn cứ.
– Về yêu cầu trả lãi:
+ Đối với 06 Giấy mượn tiền có ghi thời hạn trả nợ gồm: Giấy mượn tiền ngày 15/11/2003, Giấy mượn tiền ngày 26/6/2009 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 13/3/2014 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 24/4/2014 (âm lịch), Giấy mượn tiền ngày 24/5/2014 (âm lịch) và Giấy mượn tiền ghi đầu tháng 12/2013, Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng Điều 466, Điều 468 của Bộ luật Dân sự để tính tiền lãi kể từ ngày hết thời hạn trả nợ là dúng pháp luật.
+ Đối với 08 Giấy mượn tiền không ghi thời hạn trả nợ, không có lãi gồm Giấy mượn tiền các ngày 26/6/2009 (âm lịch) vay số tiền 15.000.000 đồng; ngày 14/01/2013 (âm lịch) vay số tiền 60.000.000 đồng; ngày 19/01/2013 vay số tiền 60.000.000 đồng; ngày 24/10/2013 vay số tiền 50.000.000 đồng; ngày 20/7 (không ghi năm) vay số tiền 100.000.000 đồng hẹn 01 tháng trả; ngày 12/1 (không ghi năm) vay số tiền 100.000.000 đồng; ngày 12/01/2014 vay số tiền 140.000.000 đồng, hẹn 12/3 (không ghi năm); ngày 26/12/2014 (âm lịch) vay số tiền 700.000.000 đồng, Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Thế, ông Vinh phải trả tiền lãi kể từ ngày khởi kiện là không đúng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 469 của Bộ luật Dân sự, đối với khoản vay không kỳ hạn, không có lãi thì bên vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tại hổ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ chứng minh trước khi yêu cầu trả nợ, bà Bé đã thông báo trước một thời gian hợp lý.
Theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị Quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, “thời gian hợp lý” là không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo và đối với hợp đồng vay không kỳ hạn, thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Vì vậy, cần lấy mức thời gian báo trước tối đa 03 tháng tính từ ngày bà Thế, ông Vinh được tổng đạt hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án là ngày 26/11/2020 để tính thời điểm bà Thế, ông Vinh vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, Bản án dân sự phúc thẩm số 117/2022/DS-PT ngày 21/6/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Y buộc bà Thế, ông Vinh phải trả tiền lãi kể từ ngày khởi kiện là không đúng. Trên đây là vi phạm của Tòa án nhân dân tỉnh Y trong việc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản” bị cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm.
- Phạm nhân la hét, gây rối trong buồng giam, bị cán bộ quản giáo đánh. Cán bộ quản giáo bị xử lý về tội gì
- Đăng ký nhãn hiệu
- Tranh chấp tài sản là di sản thừa kế tại tỉnh Bình Định
- Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
- Một số điều khoản đặc trưng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế