Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật dẫn đến khiếu kiện tại Trà Vinh

Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật dẫn đến khiếu kiện tại Trà Vinh

Liên hệ văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng để được đồng hành hổ trợ tốt nhất

NỘI DUNG VỤ ÁN

Năm 2017, bà Cao Thị Ngọc M được Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố T. Trong quá trình công tác, bà M với cương vị là Giám đốc Trung tâm đã có vi phạm nguyên tắc tài chính kế toán và công vụ.

Ngày 10/12/2018, Chủ tịch UBND thành phố T có Quyết định số 4753/QĐ- UBND, nội dung điều động bà Cao Thị Ngọc M, chức vụ Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố T giữ chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố T.

Ngày 14/01/2019, Ban Thường vụ Thành ủy có Quyết định số 2160-QĐ/TU thi hành kỷ luật bà M, là Bí thư Chi bộ Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao thành phố T, hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng và có Văn bản đề nghị UBND thành phố T thực hiện xử lý về chính quyền đối với bà M. Theo đó, bà M có những vi phạm là: không chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; không thực hiện công khai kinh phí hoạt động hàng năm; thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền 104.756.000 đồng; đối với số tiền 254.355.000 đồng chi sai quy định, bà M phải khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 11/4/2019, Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V ban hành Quyết định số 1431/QĐ-UBND về thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà M. Bà M không đồng ý có đơn khiếu nại.

Ngày 26/7/2019, Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V ban hành Quyết định số 2657/QĐ-UBND, nội dung: bác khiếu nại của bà M; giữ nguyên Quyết định số 1431/QĐ-UBND nêu trên.

Bà M cho rằng việc kỷ luật bà và giải quyết khiếu nại là không đúng pháp luật nên ngày 26/8/2019, bà M đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 2657/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V.

Người bị kiện Chủ tịch UBND thành phố T có ý kiến: các nội dung vi phạm của bà M đã được Uỷ ban kiểm tra Thành ủy, các Đoàn giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố kiểm tra, xác minh làm rõ. Do đó, việc ban hành Quyết định số 2657/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 là đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung. Đề nghị bác khởi kiện của bà M.

QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN

1. Bản án hành chính sơ thẩm số 02/2020/HC-ST ngày 14/02/2020 của TAND tỉnh V, quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị Ngọc M. Sau đó, người khởi kiện bà M có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm.

2. Bản án hành chính phúc thẩm số 319/2020/HC-PT ngày 24/7/2020 của TAND cấp cao, quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bà Cao Thị Ngọc M; sửa án sơ thẩm, xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị Ngọc M; hủy Quyết định giải quyết khiếu nại số 2657/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V.

Sau khi có Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 26/9/2022, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 22/2022/KN-HC đối với Bản án hành chính phúc thẩm nêu trên, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử hủy Bản án phúc thẩm, hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Ngày 12/4/2023, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã đưa vụ án ra xét xử, quyết định chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND tối cao; hủy Bản án phúc thẩm, hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Trong vụ án này, việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm nghiêm trọng về pháp luật tố tụng, cụ thể: Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật TTHC năm 2015 quy định: “6. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức”. Như vậy, Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh V về việc kỷ luật bà M bằng hình thức cảnh cáo là quyết định hành chính về quản lý, tổ chức mang tính nội bộ của cơ quan. Theo điểm c khoản 1 Điều 30 Luật TTHC năm 2015 quy định về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: … “c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức”; và khoản 2 Điều 30 Luật TTHC năm 2015 quy định khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: “2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống”.

Như vậy, đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, việc Chủ tịch UBND thành phố T, tỉnh T có Quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với bà M không phải là đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, Luật TTHC 2015 quy định chỉ có công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mới có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Bà M bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo nên chỉ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Cụ thể, trường hợp bà M được giải quyết theo Điều 20 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính Phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức: “Viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại” và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của luật Khiếu nại năm 2011: “1. Việc khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; thời hiệu khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức tại Chương IV của Luật khiếu nại và Nghị định này”.

Tòa án hai cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm có vi phạm pháp luật tố tụng hành chính nghiêm trọng, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể Tòa án xác định Quyết định số 2657/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của Chủ tịch UBND thành phố T về giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cảnh cáo là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và thụ lý giải quyết là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện của bà M, Tòa án phải áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 123 Luật TTHC năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp “sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” hoặc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp đã thụ lý đơn khởi kiện theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 143 Luật TTHC năm 2015 về đình chỉ giải quyết vụ án.

You cannot copy content of this page