Thế nào là phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp?

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng – Liên hệ: 0933.530.533 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc phạm tội là nguồn sống chính cho mình (Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006).

Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là gì?

Phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho mình.

Bộ luật hình sự năm 1985 chưa coi trường hợp phạm tội này là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt. Nhưng qua thực tiễn xét xử, có một số tội phạm, người phạm tội đã lấy việc phạm tội là nguồn thu nhập chính của bản thân, nhất là đối với các tội phạm về kinh tế như tội “làm hàng giả, tội buôn bán hàng giả”, các tội xâm phạm sở hữu như tội “cướp tài sản”, tội “trộm cắp tài sản”, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”… Và hành vi này cần phải trừng trị nghiêm khắc để phòng ngừa tội phạm, nên nhà làm luật đã bổ sung tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm.

 Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015 coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và trong một số tội phạm nhà làm luật quy định là tình tiết định khung hình phạt. Việc nhà làm luật coi trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng hoặc là tình tiết định khung hình phạt là một yêu cầu cần thiết do thực tiễn xét xử đặt ra.

Khi nào tội cướp tài sản được xác định là có tính chất chuyên nghiệp?

Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu ở đây không đồng nghĩa với khái niệm nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần và người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Ví dụ: Hoàng Văn N là một kẻ sống lang thang không nghề nghiệp, thường tụ tập một số người cùng cảnh ngộ như mình chuyên trộm, cướp để sinh sống. Tuy nhiên, không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi lặp lại nhiều lần đều coi là có tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp. Ví dụ: Trần Văn Đ là học sinh lớp 12, bị kỷ luật đuổi học, Đ đã rủ Bùi Văn C dùng dao nhọn “Thái Lan” liên tiếp gây ra hai vụ cướp xe đạp trước cổng Công viên.  Hành vi của Đ và C chỉ bị coi là phạm tội nhiều lần chứ không bị coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội nhiều lần đều giống nhau ở điểm, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần (từ hai lần trở lên), nhưng khác nhau ở chỗ: Phạm tội nhiều lần, người phạm tội không lấy việc phạm tội làm phương tiện sống và họ chỉ phạm một tội, nhưng tội phạm đó được thực hiện nhiều lần. Còn phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, người phạm tội có thể chỉ phạm một tội, nhưng có thể phạm nhiều tội với nhiều lần khác nhau, nhưng lại lấy việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống thường xuyên. Hiện nay, cũng có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp một người chỉ phạm một tội, nhưng được thực hiện nhiều lần trong một thời gian nhất định mà hành vi phạm tội đó được lặp đi lặp lại thì cũng phải coi là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, chứ không nhất thiết phải xác định người phạm tội phải lấy việc phạm tội làm phương tiện kiếm sống. Quan điểm này, theo chúng tôi là không có cơ sở khoa học, và nếu cứ coi trường hợp phạm tội nhièu lần nào cũng là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì không thể lý giải được sự khác nhau giữa phạm tội có tính chất chuyên nghiệp với phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp không chỉ phạm tội cướp tài sản nhiều lần, mà người phạm tội còn phải lấy việc cướp tài sản là nguồn sống chính cho bản thân. Do đó, sự khác nhau giữa tình tiết là yếu tố định khung với tình tiết tăng nặng về trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp chính là ở chỗ này.

You cannot copy content of this page