Tội cưỡng đoạt tài sản

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.

Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập, tra khảo, bị đau đớn về thể xác.

Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng ngoài việc đe doạ sẽ dùng vũ lực, và thủ đoạn này đã uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Dọa sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản, v.v..

Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy, hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác mà người phạm tội thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nếu hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không phải là tội cưỡng đoạt tài sản, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi phạm các tội như: Tội khủng bố quy định tại Điều 81 BLHS 1999 (Điều 299 BLHS 2015); tội bức tử quy định tại Điều 100 BLHS 1999 (Điều 130 BLHS 2015); tội cưỡng dâm hoặc tội cưỡng dâm trẻ em quy định tại các Điều 113, 114 BLHS 1999 (Điều 143 và Điều 144 BLHS 2015); tội cưỡng ép kết hôn quy định tại Điều 146 BLHS 1999 (Điều 181 BLHS 2015), v.v..

Nếu người phạm tội đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác, và cũng nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng tài sản đó lại là đối tượng của tội phạm khác thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, mà tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội chiếm đoạt chất ma tuý quy định tại Điều 194 BLHS 1999 (Điều 252 BLHS 2015); tội chiếm đoạt tin chất dùng vào việc sản xuất trái phép ma tuý quy định tại Điều 195 BLHS 1999 (Điều 252 BLHS 2015); tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định tại Điều 230 BLHS 1999 (Điều 304 BLHS 2015); tội chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 232 BLHS 1999 (Điều 305 BLHS 2015); tội chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 233 BLHS 1999 (Điều 306 BLHS 2015); tội chiếm đoạt chất phóng xạ quy định tại Điều 236 BLHS 1999 (Điều 309 BLHS 2015); tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước quy định tại Điều 268 BLHS 1999 (Điều 337 BLHS 2015); tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước người trái phép quy định tại Điều 275 BLHS 1999 (Điều 350 BLHS 2015); tội chiếm đoạt chiến lợi phẩm quy định tại Điều 337 BLHS 1999 (Điều 419 BLHS 2015), .v.v..

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 170 BLHS 2015) là tội phạm đã được quy định tại Điều 130 (tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa) và Điều 153 (tội cưỡng đoạt tài sản của công dân) Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 170 BLHS 2015) có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, quy định cụ thể hơn, dễ áp dụng hơn. Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hai tội danh khác nhau về cùng một hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 và 2015 quy định thành một tội cưỡng đoạt tài sản, không phân biệt tài sản xã hội chủ nghĩa hay tài sản của công dân cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới.

Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 170 BLHS 2015) nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cưỡng đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 153 và nhẹ hơn tội cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985.

Về cơ cấu, tội cưỡng đoạt tài sản tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 170 BLHS 2015) được cấu tạo thành 5 khoản (Điều 130 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có 3 khoản, còn Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ có 2 khoản).

Nhà làm luật quy định thêm nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt mà Điều 130 và Điều 153 Bộ luật hình sự năm 1985 chưa quy định, như phạm tội có tổ chức; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; giá trị tài sản được lượng hoá bằng một số tiền cụ thể mà không quy định tài sản có giá trị lớn như trước

You cannot copy content of this page