Các hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng hỗ trợ pháp lý cho pháp nhân thương mại

1.            Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

a)            Phạt tiền (Điều 77):

+ Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

 + Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

b)            Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78):

+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế;

+ Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

c)            Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79):

+ Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

+ Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

d)            Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80):

+ Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.

+ Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

+ Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

 đ) Cấm huy động vốn (Điều 81):

+ Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

+ Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

+ Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều 81 Bộ luật hình sự năm 2015.

+ Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

2.            Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82)

a)            Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

+ Các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 và Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015;

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

+ Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

b)            Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra:

Căn cứ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm:

+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

+ Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

+ Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;

+ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

+ Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

+ Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

You cannot copy content of this page