Nội dung vụ án được tóm tắt như sau
Nguyên đơn bà Đặng Thị Luyến cho rằng thửa đất số 111 tờ bản đồ số 44 có diện tích 436,1m2 tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước có nguồn gốc của gia đình phía chồng bà để lại cho vợ chồng bà quản lý sử dụng. Bà đứng tên đăng ký kê khai theo hồ sơ địa chính năm 1993, năm 2013 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước nên yêu cầu Tòa công nhận để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất. Tuy nhiên, bị đơn ông Đào Trọng Sơn cho rằng thửa đất này có nguồn gốc của ông bà nội để lại nên đây là tài sản chung của cha, mẹ. Ông Sơn có yêu cầu phản tố, bà ĐàoThị Tuyết Hà có yêu cầu độc lập chia phần di sản thừa kế của cha.
Bản án sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước tuyên xử:
– Công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Nguyễn Thị Luyến thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44 là 470m2/ 498,7m2 đo đạc thực tế.
– Bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Đào Trọng Sơn, Đào Thị Tuyết Hà về di sản ông Đào Trọng Quế để lại thửa đất số 111, tờ bản đồ số 44, diện tích 436,1m2, tọa lạc tại thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và chi phí định giá
Sau khi xét xử sơ thẩm ông Đào Trọng Sơn có đơn kháng cáo, Viện KSND huyện Tuy Phước ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 107/2020/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước.
Bản án phúc thẩm số 83/2021/DS-PT ngày 18/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định tuyên hủy Bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Tuy Phước giải quyết lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Thứ nhất, Bỏ sót người tham gia tố tụng
Xét về hàng thừa kế của ông Đào Trọng Quế gồm có: Mẹ ruột Trương Thị Anh, vợ là bà Đặng Thị Luyến, con gồm 3 người: ông Đào Trọng Lâm, Đào Trọng Sơn và Đào Thị Tuyết Hà. Vì bà Trương Thị Anh (chết năm 2009) cần phải đưa các con của bà Anh là bà Đào Thị Thạnh và bà Đào Thị Mỹ Ảnh tham gia tố tụng. Bà Ảnh (chết năm 2005), chồng bà Phạm Văn Quý đã chết (không nhớ năm) có 8 người con: (Phạm Đào Thu An, Phạm Đào Thu Thủy, Phạm Đào Thu Thùy, Phạm Đào Thu Thảo, Phạm Đào Thu Nguyệt, Phạm Trọng Khiêm, Phạm Gia Phát, Phạm Gia Triển) là người thừa kế của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa họ tham gia tố tụng là bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thứ 2. Áp dụng không đúng quy định pháp luật
Tòa bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông Đào Trọng Sơn, Đào Thị Tuyết Hà về di sản ông Đào Trọng Quế để lại vì đã hết thời hiệu khởi kiện là áp dụng pháp luật không đúng Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015
Ông Quế chết năm 1968 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày có pháp lệnh thừa kế năm 1990. Do vậy, thời hiệu khởi kiện trong vụ án này được tính từ ngày 10/9/1990 đến ngày 20/4/2020 (ngày Tòa án thụ lý vụ án) là 29 năm 7 tháng 10 ngày, vẫn còn thời hiệu theo qui định tại Điều 623 BLDS năm 2015. Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế là áp dụng không đúng các quy định của pháp luật về thừa kế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, Thu thập chứng cứ chưa đầy đủ
Thửa đất tranh chấp các bên đương sự thống nhất là của cha mẹ cụ Quế để lại. Trong quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm chưa làm rõ thửa đất có được thu hồi hay không, bà Luyến có được cấp có thẩm quyền xét duyệt cho toàn quyền sử dụng thửa đất hay không.
Đây là vụ án Viện KSND huyện Tuy Phước đã kiên quyết kháng nghị và được Tòa án xét xử phúc chấp nhận toàn bộ kháng nghị phúc thẩm. Lĩnh vực dân sự nói chung và việc tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai nói riêng rất đa dạng và ngày càng phức tạp. Vì vậy, hãy liên hệ luật sư để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.