Đặc điểm của các tội phạm về tham nhũng

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo trong vụ án liên quan tội phạm tham nhũng

Đặc điểm về chủ thể tội phạm về tham nhũng

Luật sư khi tiếp cận với yêu cầu nhờ bào chữa liên quan đến các tội phạm về tham nhũng, cần nhận diện về chủ thể. Người phạm tội tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một hoặc một số công vụ, nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ, bao gồm:

–              Cán bộ, công chức, viên chức;

–              Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

–              Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

–              Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

–              Những người giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng, Đoàn thể quần chúng (Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Mặt trận, v.v.) hưởng lương theo ngân sách của Nhà nước nhưng không phải là công chức, cũng là chủ thể của các tội phạm về tham nhũng.

Một điểm mới cần lưu ý đó là, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng là chủ thể của tội phạm đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, trong một vụ án có đồng phạm thì người trực tiếp thực hiện tội phạm (người thực hành) nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn còn những người khác có thể không phải là người có chức vụ, quyền hạn; họ có thể là người tổ chức, người xúi dục hoặc người giúp sức.

Đặc điểm về tính chất, hành vi, mức độ và hậu quả vụ án tham nhũng

Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm về tham nhũng được coi là ngày càng nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng tập trung vẫn là trong các lĩnh vực quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản, đầu tư, xuất nhập khẩu, ngân hàng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, trong các giai đoạn tố tụng, v.v.. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các lĩnh vực quản lý kinh tế mà còn xảy ra trong lĩnh vực quản lý hành chính, trong các cơ quan công quyền, trong các cơ quan xử lý tham nhũng như thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Hậu quả do tham nhũng gây ra không chỉ là thiệt hại về vật chất, mà còn làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Do đó, khi lập luận bào chữa, Luật sư cần quan tâm đến việc làm rõ các chỉ số chứng minh mức độ “giảm sút lòng tin” được thể hiện như thế nào. Một đặc điểm thường thấy đối với các tội phạm về tham nhũng là được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, với phạm vi rộng, có tổ chức chặt chẽ, thường đi liền với các vụ án kinh tế lớn. Trong một số trường hợp, do áp lực của dư luận, nhiều vụ án kinh tế như cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù cơ quan điều tra chưa chứng minh được các hành vi phạm tội tham nhũng, nhưng vẫn được định danh là các vụ án tham nhũng. Do đó, Luật sư cần lưu ý thực tế cách gọi “vụ án kinh tế, tham nhũng” đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng như là một cụm từ kép, từ đó, làm rõ để không bị áp lực trong tiến trình điều tra, truy tố, xét xử.

Cần chú ý, Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định 7 tội phạm là tội phạm về tham nhũng, bao gồm: Tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác.

Tuy nhiên, Luật phòng, chống tham nhũng lại quy định 12 hành vi tham nhũng bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác để vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Như vậy, giữa Bộ luật hình sự với Luật phòng, chống tham nhũng chưa có sự thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ luật hình sự không quy định hết các hành vi tham nhũng (như được liệt kê tại Luật phòng, chống tham nhũng) là tội phạm là chưa đầy đủ, cần bổ sung.

Về hình phạt, hình phạt đối với các tội phạm về tham nhũng nhìn chung là nghiêm khắc. Cùng một hành vi phạm tội nhưng nếu không thuộc các tội phạm về tham nhũng thì khung hình phạt bao giờ cũng nhẹ hơn khung hình phạt đối với loại tội phạm này.

Đối với hình phạt bổ sung, nếu là các tội phạm khác thì tùy trường hợp có hoặc không có quy định hình phạt bổ sung và nếu có quy định thì nói chung là quy định thuộc diện “có thể bị” áp dụng. Còn đối với các tội phạm về tham nhũng, tất cả 7 tội danh đều có quy định hình phạt bổ sung và nếu hình phạt đó là hình phạt “cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định” thì đều quy định trực tiếp là “còn bị cấm”.

Từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự lớn những năm vừa qua, có thể rút ra một số nhận định sau:

–              Án tham nhũng xảy ra thường có các nguyên nhân sơ hở về pháp luật, buông lỏng về quản lý, kiểm tra giám sát, sự yếu kém về năng lực, trình độ và phẩm chất của người có chức vụ, quyền hạn được giao

trách nhiệm quản lý tài sản; thường gắn với các hành vi vi phạm khác như cố ý làm trái, buôn lậu, v.v..

–              Việc điều tra truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng thường kéo dài, gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh tội phạm, do đó Luật sư cần dự liệu, thông báo với khách hàng về những trở ngại có thể gặp phải trong quá trình tham gia tố tụng.

–              Án tham nhũng chủ yếu do người có chức vụ quyền hạn, có nhiệm vụ quản lý tài sản thực hiện, nên việc xử lý liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Đây cũng có thể coi là dạng khách hàng tương đối đặc thù của văn phòng Luật sư.

You cannot copy content of this page