NỘI DUNG VỤ ÁN
Phần đất tranh chấp có diện tích 3.200m2 trong tổng diện tích 6.253,9m2 tại xã A, huyện T, tỉnh L được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 21/4/2014 cho chủ sử dụng là Đình A (là nơi thờ tự của cộng đồng dân cư).
Theo người khởi kiện là ông Châu Vĩnh C, năm 1976 ông nhận chuyển nhượng phần đất 3.200m của ông Dương Thế H. Quá trình sử dụng đất ông C có đóng thuế cho Nhà nước hàng năm. Năm 2018, ông C mới biết phần đất trên đã được cấp GCNQSDĐ cho Đình A.
Ngày 20/8/2018, ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy một phần GCNQSDĐ do UBND huyện T cấp ngày 21/4/2014 cho Đình A với lý do phần diện tích đất 3.200m2 trong tổng diện tích 6.253,9m cấp cho Đình là thuộc quyền sử dụng của ông, việc UBND huyện T cấp GCNQSDĐ là không đúng pháp luật.
Người bị kiện UBND huyện T cho rằng nguồn gốc đất là của Đình A. Trước năm 1986, Ban tổ chức Định có cho ông Trần Văn Th và ông Châu Vĩnh C thuê một phần đất (hiện đang tranh chấp), nhưng không có giấy tờ. Đến ngày 13/11/1986, ông Th và ông C có làm Giấy xác định ông Th và ông C đang canh tác đất ruộng và đất vườn của Đình, đồng thời thống nhất mỗi ông sẽ đóng 100kg lúa quy thành tiền theo giá để gây quỹ cho Đình. Từ trước đến nay, Nhà nước chưa bao giờ cấp GCNQSDĐ đối với phần đất của Đình cho ông C.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Hữu T – Trưởng Ban Quí tế Đình A đồng ý với ý kiến của người bị kiện, lý do đất của Đình có từ nhiều đời nay, công khai và rõ ràng, năm 2014 đã được cấp GCNQSDĐ. Đề nghị Toà án không chấp nhận khởi kiện của ông C.
QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN
1. Bản án hành chính sơ thẩm số 150/2018/HC-ST ngày 08/11/2018 của TAND tỉnh L quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Châu Vĩnh C; Hủy GCNQSDĐ do UBND huyện T cấp ngày 21/4/2014 cho Đình A.
Sau khi xét xử sơ thẩm, UBND huyện T và các thành viên Ban Quí tế Đình gồm 06 người là ông Lê Hữu T, ông Lê Văn G, ông Phạm Văn T, ông Lê Văn P, ông Ngô Tấn P và bà Nguyễn Thị K có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm.
2. Tại Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính số 727/2019/QĐ-PT ngày 14/10/2019 của TAND cấp cao, quyết định: Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 229 Luật TTHC năm 2015, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, lý do người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo là ông Trịnh Phước T (đại diện cho UBND huyện T) và ông Lê Hữu T (đại diện cho Đình A) xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo; Bản án hành chính sơ thẩm số 150/2018/HC-ST ngày 08/11/2018 của TAND tỉnh L có hiệu lực pháp luật.
Sau khi có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nêu trên, 06 ông bà là thành viên của Ban Quí tế Đình A và 35 công dân cư trú tại xã A, huyện T, tỉnh L có đơn đồng đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Ngày 01/7/2022, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06/2022/KN-HC, nội dung: Đình A là cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, Ban Qui tế Đình gồm 07 thành viên là đại diện nhân dẫn các ấp 4, 5, 6 là người đại diện theo pháp luật của Đình theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Tòa án sơ thẩm xác định ông Lê Hữu T – Trưởng Ban Qui tế Đình là người đại diện theo pháp luật của Đình và không đưa 06 ông bà còn lại trong Ban Qui tế tham gia tổ tụng là không đúng quy định của pháp luật.
Năm 2014, UBND huyện T cấp GCNQSDĐ cho Đình A mà không xem xét đến công sức quản lý, tôn tạo đất là không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ông C nên yêu cầu hủy GCNQSDĐ là có căn cứ. Tuy nhiên, tại thời điểm cấp GCNQSDĐ ngày 21/4/2014, Luật Đất đai năm 2003 đang có hiệu lực. Tòa án sơ thẩm viện dẫn Điều 102; khoản 2 Điều 105, Điều 160 Luật Đất đai năm 2013 là không đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã giải thích pháp luật dẫn đến đương sự hiểu nhầm thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho Đình A là của UBND tỉnh L nên đương sự đã rút đơn kháng cáo.
Bởi các lẽ, trên Chánh án TAND tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính và hủy Bản án hành chính sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh L xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.
3. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 22/2022/HC-GĐT ngày 29/8/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính và hủy Bản án hành chính sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh L xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật. III. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM
Thứ nhất, về tố tụng: Căn cứ Điều 63 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “I. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Trong vụ án trên, Ban Qui tế của Đình A được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 25/02/2011 của UBND xã A, là Ban quản lý Đình gồm tập thể 07 ông bà đại diện nhân dân của các ấp của xã, là đồng đại diện theo pháp luật của Đình. Ông Lê Hữu T chỉ là Trưởng Ban Quí tế, là một trong 07 thành viên của Ban Quí tế, không phải là người đại diện theo pháp luật và cũng không phải là người đại diện theo ủy quyền vì không có văn bản ủy quyền đại diện của 06 ông, bà còn lại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Lê Hữu T – Trưởng Ban Quí tế Đình là người đại diện theo pháp luật của Đình và không đưa 06 ông, bà thành viên trong ban Qui tế tham gia tố tụng là bỏ sót người tham gia tố tụng, không đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, về nội dung: Căn cứ hồ sơ đất đai qua các thời kỳ là Bản đồ địa chính năm 1995 thể hiện thửa đất số 228, tờ bản đồ số 02, diện tích 5.111m chủ sử dụng là Đình A; Bản đồ địa chính năm 2008 thửa số 228 đổi thành thửa số 50, tờ bản đồ số 24, diện tích 6.253,9m chủ sử dụng là Đình A. Căn cứ lời trình bày của các bên đều thống nhất nội dung trước năm 1986, ông Châu Vĩnh C có cạnh tác, sử dụng một phần diện tích đất 3.200m2 của thửa đất số 228. Trong quá trình sử dụng đất, ngày 13/11/1986 ông C có viết giấy thừa nhận đất ông canh tác ở phần đất của Đình và xin nộp quỹ cho Đình 100 kg lúa. Như vậy, mặc dù ông C có sử dụng đất canh tác nhưng đất vẫn là của Đình. Năm 2014, khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho Đình, tại hồ sơ đề nghị cấp QSDĐ có Biên bản lấy kiến khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng, UBND xã A đã không lấy ý kiến của ông C, là người có quá trình sử dụng canh tác trên đất, có công sức quản lý, tôn tạo đất từ năm 1986 là chưa đúng trình tự, thủ tục khi Nhà nước cấp GCNQSDĐ, chưa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ông C. Tuy nhiên, mặc dù Toà án cấp sơ thẩm tuyên huỷ GCNQSDĐ nhưng lại cho rằng UBND huyện T cấp GCNQSDĐ cho Đình là không đúng người sử dụng đất và trái quy định Luật Đất đai năm 2013 là không đúng trong việc áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, căn cứ khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh số 21/2004 của UBTV Quốc hội ngày 18/6/2004 (nay là khoản 4, Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016) quy định “Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng bao gồm đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ dòng họ…”. Như vậy, Đinh A là cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư. UBND huyện T, tỉnh L cấp GCNQSDĐ cho Đình A là ngày 21/4/2014, thời điểm này Luật đất đai năm 2003 vẫn có hiệu lực thi hành (Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014) nên căn cứ khoản c Điều 52 Luật Đất đai năm 2003, thẩm quyền cấp GCNQSDĐ cho cộng đồng dân cư là của UBND huyện T là đúng quy định của pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều nhận định thẩm quyền cấp GCNQSDĐ theo viện dẫn quy định của Luật Đất đai năm 2013 để xác định thẩm quyền cấp là của UBND tỉnh L là không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, xác định không đúng thẩm quyền cấp GCNQSDĐ. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử có giải thích pháp luật không đúng quy định của pháp luật, dẫn đến đương sự hiểu nhầm thẩm quyền cấp GCNQSDĐ là của UBND tỉnh L nên đã rút đơn kháng cáo. Từ đó, Toà án quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát không phát hiện những vi phạm nêu trên là có thiếu sót. Vì vậy, trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, Kiểm sát viên cần nắm chắc các quy định của pháp luật đất đai, pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan để phát hiện vi phạm của Tòa án, từ đó thực hiện tốt quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật, nâng cao vị trí, vai trò của Viện kiểm sát.
Trên đây là vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính được công bố rộng rãi.