Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Nội dung vụ án và quá trình tố tụng

Mạc Thị Lệ Quyên là người không có việc làm ổn định, không có chức năng, nhiệm vụ trong việc bố trí việc làm nhưng do cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân nên Quyền đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhận . hồ sơ, tiền “xin việc làm” vào các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, để tạo sự tin tưởng cho các bị hại, khi tiếp cận với mình, Mạc Thị Lệ Quyên đã nói rằng bản thân Quyên là cán bộ đang làm việc tại Sở nội vụ tỉnh Nghệ An, có nhiều mối quan hệ quen biết lãnh đạo tỉnh Nghệ An và hứa chắc chắn sẽ xin được cho người lao động có nhu cầu vào làm việc, chuyển biên chế chính thức tại các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mạc Thị Lệ Quyên đã thực hiện 20 hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của 20 bị hại với tổng số tiền là 3.444.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 134/2020/HS-ST ngày 22/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau khi xét xử, ngày 30/9/2020, Mạc Thị Lệ Quyên kháng cáo xin giảm hình phạt; ngày 21/10/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 43/QĐ-VC1-HS theo hướng sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt tù đối với bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/3/2021, bị cáo Mạc Thị Lệ Quyên rút kháng cáo. Căn cứ vào việc bị cáo rút toàn bộ kháng cáo, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với Mạc Thị Lệ Quyên tại quyết định số 81/2021/HSPT-QĐ ngày 31/3/2021.

2. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 43 nêu trên của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội là đúng theo thủ tục luật định. Theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm hình sự và Tòa án cấp phúc thẩm phải có trách nhiệm xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát. Tại Điều 345 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị”. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm khi bị cáo rút kháng cáo thì Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm mà bỏ qua không xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là vi phạm Điều 345 nêu trên.

Ngày 11/11/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm số 81/2021/HSPT-QĐ ngày 31/3/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Tại phiên tòa Giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hủy quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 81 nêu trên để xét xử phúc thẩm lại.

You cannot copy content of this page