Một số điều khoản đặc trưng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Một số điều khoản đặc trưng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Luật sư quận Tân Bình tư vấn hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp soạn thảo hợp đồng thương mại dịch vụ ngoại thương

a) Điều khoản về mô tả hàng hóa:

Đây là điều khoản rất quan trọng, nhất là với người mua và cần phải được quy định chi tiết hết mức có thể, ví dụ như tên hàng phải quy định kèm cả tên khoa học, số lượng thì phải ghi dung sai, đối với các loại hàng hóa dễ bị hao hụt số lượng và chất lượng trong quá trình vận chuyển (hàng nông sản) thì phải ghi đủ về thông số kỹ thuật, cách sử dụng, quy cách đóng gói, v.v., của hàng hóa. Nếu không có quy định cụ thể về hàng hóa, người mua có thể lựa chọn hàng hóa theo mẫu mà người bán giao cho, tuy nhiên điều này cũng có rủi ro là trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc người bán giao hàng hóa tương tự với công năng sử dụng và chất lượng tương đương vẫn có thể được Tòa án hoặc Trọng tài chấp nhận.

Nếu hợp đồng chỉ quy định về tên hàng hóa mà không quy định cụ thể về chất lượng, người bán có thể sẽ cung cấp hàng hóa có ghi tên trên bao bì giống như hợp đồng nhưng chất lượng lại khác xa.

b) Điều khoản về giá cả:

Đây là điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung. Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, điều khoản này càng phải được quy định chi tiết, cẩn thận. Giá hàng hóa thường biến động theo tình hình thị trường thế giới, các bên cần ghi rõ đơn giá, tổng giá trị của hàng hóa và đồng tiền thanh toán, tính toán và xác định xem tỷ giá hối đoái sẽ áp dụng là ở thời điểm thanh toán hay tại thời điểm giao kết hợp đồng. Ngoài ra, để hiệu quả kinh tế của hợp đồng hợp lý với cả hai bên nên lưu ý đưa vào quy định điều chỉnh giá, cho phép giá được điều chỉnh so với thỏa thuận ban đầu trong một số trường hợp nhất định.

c) Điều khoản về phương thức thanh toán:

Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể lựa chọn các phương thức thanh toán như chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, nhờ thu hoặc dùng tín dụng thư. Người bán hoặc người mua cần thỏa thuận để đạt được phương thức thanh toán bảo vệ được quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Dĩ nhiên, việc am hiểu thủ tục và quy trình của mỗi phương thức thanh toán là rất quan trọng để việc thanh toán được bảo đảm an toàn và diễn ra suôn sẻ.

d) Điều khoản về địa điểm và thời gian giao hàng:

Thời gian giao hàng có thể được xác định bằng một ngày cụ thể hoặc một khoảng thời gian nhất định sau khi hợp đồng được ký kết, như một tuần hoặc ba tháng. Vì việc chuyển hàng giữa các quốc gia với nhau có thể đối mặt với nhiều rủi ro, chẳng hạn như tàu chở hàng không thể đến cảng kịp lúc do điều kiện thời tiết không thuận lợi, các bên nên quy định cụ thể về nghĩa vụ thông báo của người bán về việc hàng không thể được giao đúng hạn và quyền chấp nhận gia hạn giao hàng của người mua. Địa điểm giao hàng do các bên thỏa thuận, tuy nhiên thực tiễn xuất nhập khẩu cho thấy địa điểm giao hàng thường phụ thuộc vào điều kiện giao hàng là FOB, CIF, v.v., vì vậy cần quy định địa điểm giao hàng ngay trong điều kiện giao hàng (ví dụ như FOB Incoterms, cảng Hải Phòng)1. Điều kiện giao hàng thường chỉ rõ hàng được giao ở đâu, ai thuê phương tiện vận chuyển, ai mua bảo hiểm, v.v..

đ) Điều khoản về ngôn ngữ của hợp đồng:

Ngôn ngữ thường được coi là một trở ngại với các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ của hợp đồng hay việc biên dịch sai sót có thể đem lại nhiều rủi ro cho các bên. Hợp đồng được soạn thảo thành nhiều ngôn ngữ khác nhau cần ghi rõ bản tiếng nước ngoài được dùng làm căn cứ/ưu tiên áp dụng khi có sự khác biệt hay không thống nhất giữa các bản hợp đồng.

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Cẩm nang hợp đồng thương mại, Sđd, tr.115.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page