Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự
Quyền gặp, tiếp xúc, làm việc riêng của người bào chữa với người bị buộc tội bắt nguồn và liên quan trực tiếp từ quyền Hiến định cho phép người bị buộc tội có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Đây cũng chính là cơ sở để người bào chữa triển khai hoạt động bào chữa của mình. Mục đích của quyền được gặp, hỏi người bị buộc tội là nhằm tìm hiểu về vụ án, xác minh các thông tin, tài liệu, đánh giá tình trạng thể chất, tinh thần, nhu cầu của người bị buộc tội và thu thập các chứng cứ phục vụ cho hoạt động bào chữa.
Trước hết, cần khẳng định theo nội dung của điều luật này thì người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội một cách chủ động, thực hiện trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp; được hỏi, trao đổi hoàn toàn riêng tư với người bị buộc tội trong điều kiện giám sát theo quy định của cơ sở giam giữ mà không bắt buộc phải có mặt của Điều tra viên. Khẳng định này còn được thể hiện qua các quy định của pháp luật liên quan như sau:
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định: “Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh…” . Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đều khẳng định người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị cáo để thực hiện việc bào chữa. Đây là việc gặp riêng giữa người bào chữa và người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam. Quy định mới này hoàn toàn khác với việc người bào chữa có mặt (gặp) khi lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, khi Cơ quan tiến hành tố tụnghỏi cung bị can.
Ngày 23/01/2018, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP- TANDTC – VKSNDTC (gọi tắt là Thông tư 01/2018) quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (THTT) và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Thông tư này quy định: khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý .
Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an (gọi tắt là Thông tư 46/2019) cũng khẳng định rõ: “Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam” (Khoản 3 Điều 12). Thông tư này cũng hướng dẫn về thủ tục người bào chữa gặp người bị tạm giữ, tạm giam.
Thủ tục để người bào chữa gặp thân chủ được quy định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Thông tư 01/2018, Thông tư 46/2019. Để được gặp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, do Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trực thuộc Bộ Công an quản lý, nên việc thông báo mang tính liên thông giữa cơ quan điều tra và giám thị cơ sở giam giữ rất quan trọng. Đây là điều kiện tối thiểu đảm bảo khi người bào chữa có mặt tại cơ sở giam giữ để đăng ký gặp, làm việc với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì được tạo điều kiện thuận lợi tối đa mà không bị bất cứ hạn chế nào.
Chính vì nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cũng như tạo cơ chế phối hợp giữa các Cơ quan tiến hành tố tụngtrong quá trình giải quyết vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư 46/2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Theo quy định của Thông tư này, khi người bào chữa đề nghị gặp thân chủ, đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ luật sư, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý phải bố trí để người bào chữa gặp, đồng thời phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở cơ quan điều tra và yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh. Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết. Đặc biệt, người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp thân chủ cho điều tra viên đang thụ lý vụ án. Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam .
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT- BCA- BQP- TANDTC- VKSNDTC ngày 23/01/2018, Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 đều khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của người bào chữa trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam để thực hiện quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Tất cả các quy định nêu trên cũng không đề cập hay quy định việc người bào chữa gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra bắt buộc phải có mặt điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của cơ quan điều tra. Như vậy, về mặt pháp lý việc gặp, làm việc riêng chủ động của người bào chữa với người bị tạm giữ, người bị tạm giam buộc cơ sở giam giữ phải giải quyết yêu cầu gặp mặt của người bào chữa. Trong trường hợp cần thiết theo quy định thì báo với cơ quan thụ lý vụ án để cử người tham gia giám sát chứ không thể lấy lý do cơ quan điều tra không đồng ý hoặc điều tra viên bận không tham dự để từ chối việc người bào chữa yêu cầu gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam.
Ý nghĩa và bản chất của các quy định trên đã tháo gỡ các rào cản nhằm hạn chế quyền của người bào chữa tiếp xúc với thân chủ để thực hiện quyền bào chữa, và nếu quyền này không được tôn trọng thì phải xác định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Thực trạng của quy định này trong thời gian vừa qua, ngoài giai đoạn đầu có hiệu lực của Bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt là Thông tư 46, với câu chữ tường minh, các CQĐT thực hiện tương đối tốt nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì tình hình thay đổi. Hầu như các đề nghị được gặp, hỏi người bị buộc tội từ Luật sư đều có rào cản. Nhẹ thì có giám sát của ĐTV (sau thời gian hẹn kéo dài), nặng thì không được gặp và kéo dài để khi luật sư khiếu nại quyết liệt thì CQĐT thực hiện một buổi làm việc do ĐTV chủ động, luật sư dự cung. Các cuộc gặp có giám sát của ĐTV thì bị kiểm soát toàn bộ nội dung trao đổi, giới hạn gần như toàn bộ các nội dung liên quan đến việc điều tra qua hình thức chặn từ thời điểm LS trình nội dung làm việc chi tiết (bắt buộc) hay khi LS bắt đầu hỏi Thân chủ để nội dung làm việc của Ls với Thân chủ chỉ còn giới hạn trong hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình.