Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội chống người thi hành công vụ
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần hội tụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là có thể là chủ thể của tội phạm này, tức là đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự.
Như vậy, người dưới 16 tuổi không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ vì tội phạm này cả khoản 1 và khoản 2 của điều luật không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ mà xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ công. Người thi hành công vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ, mà tuỳ trường hợp cụ thể để xác định một tội phạm khác có tình tiết vì lý do công vụ của nạn nhân. Ví dụ: Ông Vũ Văn K là Trưởng công an xã đã tổ chức bắt Nguyễn Văn T, Bùi Quốc H và Mai Đức Q tiêm chích ma tuý, nên Bùi Quốc B là cha của Bùi Quốc H đã đón đường đánh ông K gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 10%. Hành vi của B là hành vi phạm tội cố ý gây thương tích thuộc trường hợp quy định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự ( vì lý do công vụ của nạn nhân).
Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm thì người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ. Ví dụ: Toà án nhân dân huyện K kết án Đặng Quốc H về tội trộm cắp tài sản và buộc H phải bồi thường cho chị Hoàng Kim D 4.500.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, Đặng Quốc H kháng cáo xin giảm hình phạt và giảm mức bồi thường, Toà án nhân dân tỉnh B chưa xét xử phúc thẩm. Vì muốn thi hành ngay khoản tiền bồi thường thiệt hại cho chị họ mình, nên Hoàng Văn T là Chấp hành viên đã đến gia đình Đặng Quốc H, lấy danh nghĩa là Chấp hành viên yêu cầu H phải nộp ngay 4.500.000 đồng. Đặng Quốc H không đồng ý vì cho rằng mình đang kháng cáo bản án sơ thẩm và yêu cầu Hoàng Văn T ra khỏi nhà, dẫn đến xô xát. Do chưa xem xét một cách đầy đủ, lại cho rằng H là đối tượng hình sự, có nhiều tiền án tiền sự, nên Cơ quan điều tra công an huyện K đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Quốc H về tội chống người thi hành công vụ. Sau khi xem xét một cách toàn diện và đầy đủ, Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã không phê chuẩn và yêu cầu Cơ quan điều tra đình chỉ vụ án đối với Đặng Quốc H, vì hành vi của Hoàng Văn T không phải là hành vi thi hành công vụ.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể thực hiện một trong các hành vi khách quan như: Dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ
Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của người thi hành công vụ như: Đấm, đá, đẩy, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém… Nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm vào vào cơ thể người thi hành công vụ nhằm làm cho họ bị đau đớn mà không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ, nhưng chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỷ lệ thương tật). Nếu hành vi dùng vũ lực đã gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, có tỷ lệ thương tật hoặc gây ra cho người thi hành công vụ bị chết, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 104 hoặc tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt “để cản trở người thi hành công vụ” hoặc “giết người đang thi hành công vụ”.
Như vậy, hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về ba tội tuỳ thuộc vào hậu quả mà hành vi này gây ra cho người thi hành công vụ. Người có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ khi chưa gây ra thương tích (có tỷ lệ thương tật) hoặc gây ra chết người. Đây cũng là vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử còn ý kiến khác nhau. Rõ ràng người phạm tội có mục đích chống lại người thi hành công vụ nhưng vì nạn nhân có tỷ lệ thương tật nên phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích. Trong khi đó khoản 1 Điều 104 và khoản 1 Điều 257 có khung hình phạt như nhau, lẽ ra trong trường hợp người phạm tội chống người thi hành công vụ mà gây thương tích cho nạn nhân phải bị phạt nặng hơn người chưa gây ra thương tích cho nạn nhân.
– Đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ
Hành vi đe doạ dùng vũ lực là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người thi hành công vụ nếu không ngừng việc thực hiện nhiệm vụ thì sẽ dùng vũ lực, có thể ngay tức khắc hoặc sau đó một thời gian. Ví dụ: Bùi Hoàng B bị cưỡng chế thi hành án, khi ông Nguyễn Văn Q là Chấp hành viên cùng với một số người trong đoàn cưỡng chế thi hành án đến nhà B để thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế. Thấy vậy, B cầm một con dao phay đứng trước cửa tuyên bố: “đứa nào vào tao chém”. Thấy thái độ hung hăng của B, ông Q và đoàn cưỡng chế phải ra về.
Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ
Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ là ngoài hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ra, người phạm tội còn dùng những thủ đoạn khác không cho người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, những thủ đoạn này có thể là hành động hoặc không hành động.Khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định hành vi này.
Việc nhà làm luật quy định thêm hành vi khách quan này cũng xuất phát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp người phạm tội không dùng vũ lực, cũng không đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ nhưng vẫn cản trở được việc thi hành công vụ của họ. Ví dụ: Để thực hiện lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng mở đường quốc lộ số 5, Ban tổ chức giải phóng mặt bằng đã vận động, giải thích cho bà Nguyễn Thị T và gia đình, nhưng bà T và gia đình vẫn không chấp hành. Ban giải phóng mặt bằng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khi lực lượng làm nhiệm cưỡng chế đưa xe ủi tới, bà T cùng người nhà đã ra nằm trước đầu xe ủi không cho lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ, nên họ đành phải cho xe ủi về, nhiều lần như vậy, nhưng vì Điều 205 không quy định hành vi khác cản trở người thi hành công vụ nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà T về tội chống người thi hành công vụ. Nay điều luật quy định hành vi dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì việc xử lý thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quy định mới này là quy định không có lợi cho người phạm tội nên không áp dụng đối với hành vi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Dùng thủ đoạn khác ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ép buộc người thi hành công thực hiện hành vi trái pháp luật là bằng nhiều cách khác nhau tác động đến người thi hành công vụ để buộc người thi hành công vụ phải thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu chỉ căn cứ vào tính chất của hành vi ép buộc thì không có liên quan gì đến tội danh “chống người thi hành công vụ”, bởi vì việc ép buộc người khác thực hiện một hành vi trái pháp luật không phải là chống lại họ mà buộc họ phải làm một việc sai trái ngoài ý muốn của họ. Hành vi này, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc ép buộc người thi hành công vụ. Ngay trong lĩnh vực này, cũng chỉ giới hạn ở hành vi ép buộc người đang thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, do tính chất của việc bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ công và do hành vi ép buộc mà làm cho nhiệm vụ không được hoàn thành, nên coi hành vi này đối với người thi hành công vụ cũng là hành vi chống người thi hành công vụ.
Về phía người thi hành công vụ phải là người đang thi hành công vụ và do bị ép buộc mà phải thực hiện hành vi trái pháp luật thì người có hành vi ép buộc mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Tuỳ theo tính chất mức độ của hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã thực hiện, mà có thể họ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng với hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện. Nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ phạm tội thuộc trường hợp phạm tội vì bị người khác đe doạ cưỡng bức.
b. Hậu quả
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan nêu trên là tội phạm đã hoàn thành. Nhiệm vụ có thể vẫn được thực hiện, mặc dù người phạm tội đã thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, về đường lối xử lý thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp do có hành vi chống người thi hành công vụ mà dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ bị gián đoạn hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử đối với hành vi chống người thi hành công vụ, nếu gây thương tích cho người người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật từ 1% trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp rõ ràng hành vi của người phạm tội là hành vi chống người thi hành công vụ nhưng Toà án lại kết án họ về tội cố ý gây thương tích làm cho nhiều người hiểu lầm rằng Toà án kết án người phạm tội không đúng với hành vi khách quan và ý thức chủ quan của họ; có trường hợp nhiều người cùng chống người thi hành công vụ nhưng người này thì bị kết án về tội chống người thi hành công vụ, còn người khác lại bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Đây không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề lập pháp. Nếu nhà làm luật không quy định tình tiết “để cản trở người thi hành công vụ” đối với hành vi cố ý gây thương tích tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự thì vấn đề đơn giản hơn. Nếu cần xử lý nghiêm người có hành vi chống người thi hành công vụ và còn gây thương tích cho người thi hành công vụ thì nên quy định tình tiết “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người thi hành công vụ” là tình tiết định khung hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ sẽ hợp lý hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội có hành vi chống người thi hành công vụ và còn gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” và tội “chống người thi hành công vụ”, nếu người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích cho người thi hành công vụ có tỷ lệ thương tật dưới 11% thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chống người thi hành công vụ”. Hy vọng khi có dịp sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự nhà làm luật sẽ quan tâm đến các ý kiến này.
c. Các dấu hiệu khách quan khác
Đối với tội chống người thi hành công vụ các dấu hiệu khách quan khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, những dấu hiệu này có ý nghĩa bổ sung cho các dấu hiệu thuộc hành vi khách quan hoặc các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: Nhiệm vụ cụ thể của người thi hành công vụ; nghĩa vụ phải thi hành của người có hành vi chống người thi hành công vụ; các quy định của pháp luật về trách nhiệm của người thi hành công vụ.v.v…
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội chống người thi hành công vụ thực hiện hành vi do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi chống người thi hành công vụ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Quy trình thực hiện giao dịch mua bán bất động sản
- Phóng viên, nhà báo lợi dụng quen biết cảnh sát giao thông, nhận tiền tài xế xe tải, thỏa thuận sẽ can thiệp xin bỏ qua hoặc giảm nhẹ lỗi vi phạm, bị xử lý về tội gì?
- Khiếu kiện quyết định cưỡng chế
- Khiếu kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất khai hoang tại tỉnh Phú Yên