Tội sản xuất, buôn bán hàng giả 

Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Điều 156.  Tội sản xuất, buôn bán hàng giả 

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e)  Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

g)  Thu lợi bất chính lớn;

h)  Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền  từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM

Như đã giới thiệu ở trên, trừ trường hợp tách tình tiết là yếu tố định khung hình phạt thành tội phạm độc lập, thì các dấu hiệu cấu thành tội phạm này có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người phạm tội, nhà làm luật quy định tình tiết là dấu hiệu để phân biệt hành phạm tội với hành vi vi phạm, giữa tội phạm này với một số tội phạm khác. Các dấu hiệu này đều thuộc mặt khách quan của tội phạm.

1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này cũng không có gì đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật là có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1 của điều luật, chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật, vì khoản 1 của điều luật là tội phạm nghiêm trọng, còn khoản 2 và khoản 3 của điều luật là tội phạm rất nghiêm trọng (Điều 12 BLHS 2015 quy định người dưới 16 tuổi không chịu TNHS về tội này).

Nếu hàng giả chưa có số lượng tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này (các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS 2015) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội phạm.

– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và đã bị kết án về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cũng tương tự như trường hợp đã bị xử phạt hành chính và đã bị kết án về hành vi buôn lậu đã được phân tích ở tội buôn lậu.12

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc sản xuất, buôn bán hàng hoá, chống hàng giả.

Đối tượng tác động của tội phạm này là hàng hoá được sản xuất, buôn bán không phải là hàng thật (hàng giả).

Việc xác định thế nào là hàng giả nói chung không có gì khó, nhiều trường hợp không cần các cơ quan chức năng giám định cũng biết đó là hàng giả. Tuy nhiên, do quy định không rõ ràng nên có trường hợp việc xác định hàng giả với hàng kém phẩm chất, hàng giả với hàng do hành vi vi phạm nhãn hiệu thương phẩm (hàng nhái) gặp khó khăn.

Hiện nay việc xác định thế nào là hàng giả, căn cứ vào Nghị định Số 140-HĐBT ngày 25-4-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả (chưa có văn bản nào thay thế văn bản này; Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Căn cứ vào Điều 3 của Nghị định trên, thì hàng giả là những sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ra trái pháp luật có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; hoặc những sản phẩm, hàng hoá không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.

Căn cứ vào Điều 4 của Nghị định trên, thì Sản phẩm, hàng hoá có một trong những dấu hiệu dưới đây được coi là hàng giả:

– Sản phẩm, hàng hoá (kể cả hàng nhập khẩu) có nhãn sản phẩm giả mạo hoặc nhãn sản phẩm của một cơ sở sản xuất khác mà không được chủ nhãn đồng ý;

– Sản phẩm, hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Cục sáng chế), hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia;

– Sản phẩm, hàng hoá mang nhãn không đúng với nhãn sản phẩm đã đăng ký với cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng;

– Sản phẩm, hàng hoá ghi dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam khi chưa được cấp giấy chứng nhận và dấu phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam;

– Sản phẩm, hàng hoá đã đăng ký hoặc chưa đăng ký chất lượng với cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng mà có mức chất lượng thấp hơn mức tối thiểu cho phép;

– Sản phẩm, hàng hoá có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất, tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó.

Nếu hàng giả là đối tượng của các tội phạm khác thì người có hành vi sản xuất hoặc buôn bán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng như: Tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, séc giả, các giấy tờ có giá giả khác, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 180 và 181 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 207 và Điều 208 BLHS 2015).

Tuy nhiên, nếu hàng giả lại là đối tượng của các tội phạm quy định tại các điều 157, 158, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236, và 238 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 193, 194, 248, 249, 250, 251, 304, 305, 309 và Điều 311 BLHS 2015) thì có nhiều quan điểm khác nhau về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng cấm theo Điều 155 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 190 BLHS 2015).

– Quan điểm thứ hai cho rằng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả theo Điều 156 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 192 BLHS 2)

– Quan điểm thứ ba cho rằng, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 174 BLHS 2).

Các quan điểm nêu trên đều có nhân tố hợp lý, nhưng để áp dụng thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể trong các trường hợp nêu trên, thì truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội gì.

3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

a. Hành vi khách quan

Điều luật quy định hai hành vi khách quan khác nhau, đó là: sản xuất và buôn bán. Vì vậy, khi định tội tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội thực hiện hành vi nào thì định tội theo hành vi đó, mà không định tội hết tất cả hai hành vi được liệt kê trong điều luật. Ví dụ: Một người chỉ thực hiện hành vi sản xuất hàng giả thì chỉ định tội là “sản xuất hàng giả”, mà không định tội là “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi cùng một đối tượng phạm tội thì định tội là: “sản xuất và buôn bán hàng giả”. Các trường hợp trên, Toà án chỉ áp dụng một mức hình phạt.

Nếu người phạm tội thực hiện hai hành vi khác nhau đối với hai đối tượng phạm tội khác nhau thì việc định tội có phức tạp hơn. Ví dụ: Một người sản xuất 100 chai rượu vang Thăng Long giả và buôn bán 5000 bao thuốc lá giả, thì người này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội “sản xuất hàng giả” và tội “buôn bán hàng giả”. Toà án quyết định hình phạt riêng đối với từng tội và áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 55 BLHS 2015) để tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Sản xuất hàng giả là làm ra sản phẩm, hàng hoá mang nhãn hiệu hàng hoá giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của cơ sở sản xuất, buôn bán khác đã đăng ký với cơ quan bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Cục sáng chế), hoặc đã được bảo hộ theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia với nhiều hình thức khác nhau như: Chế tạo, chế biến, nhân giống, sao chép, sáng tác, dịch thuật… Nói chung, hàng giả được sản xuất ra chủ yếu bằng phương pháp công nghiệp theo một quy trình từ nguyên liệu đến sản phẩm.

Bộ luật hình sự năm 1999 không dùng thuật ngữ “làm hàng giả” mà dùng thuật ngữ “sản xuất hàng giả”. Điều này cũng cho thấy, những loại sản phẩm được làm ra không theo một quy trình từ nguyên liệu đến thành phẩm thì không được coi là sản xuất hàng giả mà tuỳ trường hợp người phạm tội làm ra loại sản phẩm đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: Một người dùng mật rắn pha vào một ít mật gấu rồi nói dối người mua đó là mật gấu thật để chiếm đoạt tiền của người mua, thì hành vi này là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Buôn bán hàng giả là mua, xin, tàng trữ, vận chuyển hàng giả nhằm bán lại cho người khác; dùng hàng giả để trao đổi, thanh toán; dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán… lấy hàng giả để bán lại cho người khác.

b. Hậu quả

Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội  và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội … hậu quả trực tiếp của hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hoá bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả.

Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, trong trường hợp hàng giả chưa có số lượng tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên. Nếu là hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì hậu quả này là yếu tố định khung hình phạt theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

c. Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm

Ngoài hành vi khách quan, đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nhà làm luật quy định một dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu băt buộc của cấu thành tội phạm, đó là: Hàng giả có số lượng tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên thì mới bị coi là tội phạm. Nếu dưới ba mươi triệu thì phải kèm theo những dấu hiệu khác thuộc về nhân thân của người phạm tội như: đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án.

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi sản xuất hàng giả hoặc biết rõ là hàng giả nhưng vẫn buôn bán; thấy trước được hậu quả của của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Động cơ, mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Nói chung, người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả bao giờ cũng vì lợi nhuận (thu lợi bất chính).


12 Xem điểm 1, mục A “các dấu hiệu thuộc về chủ thể” của tội buôn lậu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You cannot copy content of this page