Luật sư Tân Bình – Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới
Điều 154. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này;
b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm;
c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Hàng cấm có số lượng rất lớn;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Phạm tội nhiều lần;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Nói chung, do tội phạm này được tách từ Điều 97 Bộ luật hình sự năm 1985, nên các dấu hiệu cấu thành tội phạm, các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng tương tự như tội buôn lậu, chỉ khác ở chỗ nhà làm luật quy định nhẹ hơn tội buôn lậu. Tuy nhiên, để bạn đọc tiện theo dõi chúng tôi vẫn lần lượt giới thiệu các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này, đồng thời tập trung phân tích những dấu hiệu riêng có của tội phạm này.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm này không có gì đặc biệt so với các tội phạm khác, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự và đến độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật là có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật; người đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này quy định tại khoản 3 của điều luật, vì khoản 1 và khoản 2 của điều luật là tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, còn khoản 3 của điều luật là tội phạm rất nghiêm trọng (Điều 12 BLHS 2015 quy định người dưới 16 tuổi không chịu TNHS về tội này).
Nếu vật phạm pháp là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý dưới 100 triệu đồng, hàng cấm nhưng số lượng chưa lớn hoặc vật phạm pháp là vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hoá, thì người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển trái phép… hoặc là hành vi quy định tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật hình sự 1999 (các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS 2015), hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì mới cấu thành tội vận chuyển trái phép…
– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển trái phép… và đã bị kết án về hành vi vận chuyển trái phép… cũng tương tự như trường hợp đã bị xử phạt hành chính và đã bị kết án về hành vi buôn lậu đã được phân tích ở tội buôn lậu. 10
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Nếu trước đây, tội phạm này được nhà làm luật quy định tại chương “các tội xâm phạm an ninh quốc gia” thì khách thể của tội phạm là an ninh kinh tế. Nay được nhà làm luật quy định tại chương “các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, thì khách thể của tội phạm này không còn là an ninh kinh tế nữa mà là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự quản lý việc vận chuyển hàng hoá, tiền tệ, kim khí đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, hàng cấm qua biên giới.
Đối tượng tác động của tội phạm này cũng là hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm. Khi xác định đối tượng tác động, nếu cần phải trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định (xem đối tượng tác động của tội buôn lậu).
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Nếu ở tội buôn lậu, người phạm tội chỉ có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, thì tội vận chuyển trái phép…, người phạm tội cũng chỉ có hành vi vận chuyển bằng nhiều thủ đoạn và phương pháp khác nhau (đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không hoặc thông qua bưu chính viễn thông).
Dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với hành vi buôn lậu là người phạm tội không phải là chủ hàng, họ chỉ là người vận chuyển cho chủ hàng, có lấy tiền công hoặc không lấy tiền công (thông thường là vận chuyển thuê). Nếu người vận chuyển trái phép… là người đồng phạm trong vụ án buôn lậu thì hành vi vận chuyển trái phép… bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 về “tội buôn lậu” (Điều 188 BLHS 2015).
Người phạm tội có thể tự mình vận chuyển trái phép… hoặc thông qua người khác để vận chuyển trái phép… Nếu thông qua người khác để vận chuyển thì cần phân biệt: Nếu là vụ án vận chuyển trái phép… có đồng phạm thì hành vi thông qua người khác để vận chuyển là hành vi của người giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, còn người trực tiếp vận chuyển là người thực hành; nếu người trực tiếp vận chuyển là người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì hành vi thông qua người khác để vận chuyển được coi là hành vi của người giữ vai trò là người thực hành, người trực tiếp vận chuyển chỉ là phương tiện để người phạm tội sử dụng để phạm tội. Đây cũng là thủ đoạn mà người phạm tội buôn lậu cũng như người phạm tội vận chuyển trái phép… thường sử dụng để tránh sự trừng trị của pháp luật.
Đối với hàng hoá, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm, người phạm tội vận chuyển trái phép… thường là người vận chuyển thuê cho người buôn lậu, còn đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì thông thường người phạm tội vận chuyển cho mình, như mang qua biên giới quá số lượng quy định.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới là những thiệt hại đến tính mạng, tài sản và những thiệt hại khác do hành vi vận chuyển trái phép… gây ra. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cũng như không phải là yếu tố định khung hình phạt của tội phạm này.
Vấn đề đặt ra là, hành vi vận chuyển trái phép… thực tế có gây ra hậu quả không, vì nhà làm luật không quy định dấu hiệu này trong cấu thành cũng như không quy định gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt.
Về lý luận cũng như thực tiễn, thì hành vi vận chuyển trái phép… vẫn có thể gây ra hậu quả hoặc đe doạ gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, hậu quả do hành vi vận chuyển trái phép… không có ý nghĩa làm thay đổi tính chất nguy hiểm của hành vi vận chuyển trái phép… Nếu trong quá trình vận chuyển trái phép… mà gây ra những hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội độc lập cùng với tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Ví dụ: Hoàng Văn T vận chuyển hàng lậu qua biên giới bị tổ tuần tra phát hiện, T lái xe bỏ chạy gây tai nạn làm một người chết và một người bị thương. Hành vi của Hoàng Văn T là hành vi phạm tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới và “tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (Điều 260 BLHS 2015).
c. Các dấu hiệu khách quan khác của tội phạm
Ngoài hành vi khách quan, đối với “tội vận chuyển trái phép…”, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: Giá trị hàng phạm pháp, số lượng hàng phạm pháp, địa điểm phạm tội. Nếu thiếu các dấu hiệu này thì dù một người có hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá hoặc hàng cấm qua biên giới cũng không phải là hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới. Các dấu hiệu này cũng tương tự như đối với tội buôn lậu (xem các dấu hiệu khách quan khác của tội buôn lậu).
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới, thấy trước được hậu quả của của hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Nếu người phạm tội biết rõ hàng hoá, tiền tệ mà mình vận chuyển là hàng do người khác buôn lậu, nhưng vẫn vận chuyển thuê hoặc vận chuyển hộ, thì hành vi vận chuyển trái phép này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu với vai trò đồng phạm.
Động cơ, mục đích của người phạm tội tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng việc xác định mục đích của người phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt, nếu vì lợi nhuận mà vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, thì tính chất nguy hiểm cao hơn người phạm tội vì cảm tình, nể nang, mà vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.
- Thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam
- Vụ án “Đòi lại quyền sử dụng đất cho ở nhờ” ở Huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
- Tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Bình Tân
- Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hủy một phần hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tại tỉnh Đắk Lắk
- Tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” bị xử lý hình sự như thế nào?