TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN
Diện tích đất tranh chấp 1.547 mẻ thuộc Thừa 25, Tờ bản đồ số 5 tại thôn LX, xã KC, huyện HĐ, thành phố HN, nguyên đơn cho rằng của cụ Lương Văn Đ (là bố đẻ của ông, đã chết năm 1972), theo Tờ khai chứng thực đăng bộ số 260 cấp ngày 26/10/1940 và được Ủy ban hành chính tỉnh HĐ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 580 ngày 01/6/1956. Quá trình sinh sống từ những năm 1940, cụ Đ có xây nhà 5 gian và trồng một số cây cối. Khoảng năm 1952, cụ Đ giao nhà đất trên cho gia đình cụ Lương Văn T (anh ruột cụ Đ) và các con cụ T là vợ chồng ông Lương Văn K (chết năm 1999) bà Phạm Thị Q (chết năm 2013) ở nhờ, quản lý và thu hoạch hoa lợi từ ao vườn trên; gia đình cụ Đ vẫn thường xuyên về chăm sóc vườn, thờ cúng tổ tiên.
Năm 1966, cụ Đ viết giấy chuyển quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất trên cho ông D (được Ủy ban hành chính xã KC và Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện HĐ xác nhận ngày 30/8/1967). Những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, gia đình ông D đã về sơ tán và ở tại nhà 05 gian nêu trên.
Năm 1980, gia đình ông K bà Q đã tháo dỡ công trình phụ, bếp để xây dựng nhà cấp 4 và công trình phụ trên một phần thửa đất nêu trên để ở. Ngày 19/6/1996, khi UBND xã giải quyết tranh chấp giữa hai bên, ông K đã xác nhận gia đình ông đang sử dụng nhờ thửa đất số 2536 (trên đất có nhà 4 gian ông K xây dựng) của cụ Đ. Nên cuối năm 1996, ông K được xét cấp mới 01 lô đất có diện tích 118m2 (diện tích hiện nay là 180m2) tại Thửa số 69, Tờ bản đồ số 02 tại xã KC, HĐ để làm nhà ở, nhưng gia đình ông K bà Q vẫn không chịu trả lại đất cho ông D nên ông D khởi kiện yêu cầu bà Q (vợ ông K) trả đất cho ông.
Bị đơn cho rằng nhà đất trên là của vợ chồng cố M (bố mẹ cụ Đ, cụ T) tạo dựng, cụ Đ đã đứng ra kê khai toàn bộ ruộng đất của cố M. Gia đình bà đã sử dụng đất trên từ năm 1952, năm 1980 gia đình bà xây dựng nhà và công trình phụ trên đất. Đến năm 1996, khi ông D đòi nhà đất trên, Ủy ban nhân dân xã KC đã hòa giải nhưng ông K không thừa nhận thửa đất số 2536 là của cụ Đạ mà cho rằng nội dung này do người khác viết thêm vào. Bà Q và các con bà Q ông K không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D.
TÓM TẮT QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
1. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2007/DSST ngày 30/5/2007 của TAND tỉnh HT (nay là HN) quyết định: Buộc bà Q, anh Lương Anh L và các thừa kế của ông K trả lại các thừa kế của cụ Đ do ông D đại diện: Nhà 05 gian lợp ngói, một số cây cối trên đất và quyền sử dụng 1440 m2 đất tại thôn LX, xã KC huyện HĐ, tỉnh HT. Các thừa kế của cụ Đ do ông D đại diện được quyền sở hữu các tài sản do gia đình bà Q xây dựng trên đất gồm nhà, bếp nhưng phải thanh toán giá trị là 30.538.000 đồng, thanh toán công sức tu sửa, quản lý duy trì tài sản và hỗ trợ tạo lập nơi ở mới cho bà Q và các con bà Q số tiền là 70.000.000 đồng.
2. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 51/2008/DSPT ngày 05/3/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định: Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm nêu trên.
3. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 53/2012/GĐT-DS ngày 27/9/2012 Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định: Hủy Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên, với nhận định: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp chưa làm rõ nguồn gốc, diện tích đất thửa đất 2536 và các thửa khác thuộc khu đất đang tranh chấp. Theo các giấy tờ đất đứng tên cụ Đ thì bao gồm cả đất ở và đất ao, nhưng nay chính quyền địa phương lại xác định toàn bộ diện tích đất tranh chấp là đất thổ cư…
4. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2014/DS-ST ngày 28/4/2014 của TAND thành phố HN quyết định: Chấp nhận yêu cầu đòi đất cho ở nhờ của ông Lương Văn D. Buộc những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Phạm Thị Q phải trả toàn bộ diện tích 05 gian nhà lợp ngói và quyền sử dụng 1.547 m2 đất (trong đó có 97,7 mẻ đất công) tại Thửa đất số 25, Tờ bản đồ số 05, thôn LX, xã KC huyện HĐ, TP HN cho ông Lương Văn D; giao cho ông D tiếp tục quản lý, sử dụng 97,7 m đất công nêu trên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ông D được quyền sở hữu các tài sản do gia đình bà Q xây dựng trên đất, nhưng phải thanh toán cho những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Q số tiền là 30.538.000 đồng và phải thanh toán công sức trông nom, quản lý duy trì tài sản và hỗ trợ tạo lập nơi ở cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Q số tiền 300.000.000 đồng.
5. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2015/DS-PT ngày 14/01/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao quyết định: Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm nêu trên: Sửa phần thanh toán công sức trông nom, quản lý duy trì tài sản và hỗ trợ tạo lập nơi ở cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Q số tiền 400.000.000 đồng. Các phần khác giữ nguyên.
Sau khi xét xử phúc thẩm, những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bà Q có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 29/2020/DS-GĐT ngày 10/6/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định: Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 103/2019/KN-DS ngày 30/12/2019 của Chánh án TAND tối cao; hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2015/DS-PT ngày 14/01/2015 của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại HN và Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2014/DS-ST ngày 28/4/2014 của TAND thành phố HN; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố HN xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
VI PHẠM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ
1. Buộc bị đơn giao phần diện tích đất công cho nguyên đơn là không đúng: Theo kết quả đo đạc thẩm định của TAND thành phố HN ngày 09/8/2013, phần đất tranh chấp có diện tích 1.547 m, trong đó có 97,7 mỉ đất công thuộc Nhà nước quản lý, chứ không thuộc quyền sử dụng của bị đơn, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn phải trả cho nguyên đơn phần diện tích đất công này là không đúng quy định của pháp luật.
2. Không xem xét thỏa đáng công sức trong việc giữ gìn, quản lý, cải tạo và sử dụng đất tranh chấp: Gia đình ông K bà Q có công sức trong việc giữ gìn, quản lý, cải tạo và sử dụng đất tranh chấp trên để ở từ những năm 1950 đến nay, trong trường hợp đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của cụ Đ cũng nên để các thừa kế của vợ chồng ông K, bà Q sử dụng một phần đất xây dựng nhà nhằm ổn định nơi ở mới phù hợp, vì với diện tích đất tranh chấp có thể tách thửa được. Việc Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bà Q trả lại toàn bộ diện tích đất trên cho ông D là không hợp tình, hợp lý.
3. Việc xác định phần diện tích đất tranh chấp của ông D chưa rõ ràng: Nguồn gốc phần đất tranh chấp có diện tích 1.547 m2 thuộc Thửa số 25, Tờ bản đồ số 05. Theo bản đồ năm 1939, gồm các thửa: 2534, 2536, 2537, 2538, nhưng theo Giấy đăng bộ năm 1941, cụ Đ không đứng tên thửa 2536; Giấy chứng nhận đất cụ Đ chuyển giao cho ông D năm 1966 cũng không có thửa 2536.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 53/2012/GĐT-DS ngày 27/9/2012, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao yêu cầu làm rõ thửa 2536 có phải của cụ Đ và cụ Đ đã chuyển giao lại cho ông D hay không. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm (lần 2) không xác minh làm rõ vấn đề trên, đồng thời cũng chưa làm rõ ngôi nhà 5 gian có phải xây dựng trên thửa đất 2536 hay không, nhưng lại buộc bị đơn trả toàn bộ nhà, đất cho nguyên đơn là chưa đủ căn cứ vững chắc.
Trên đây là những vi phạm nghiêm trọng của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm qua 02 lần giải quyết; nhất là Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 đã không thực hiện đúng yêu cầu của Quyết định giám đốc thẩm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến vụ án phải hủy nhiều lần để giải quyết lại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên tòa, VKSND cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cũng không phát hiện những vi phạm trên của Tòa án hai cấp để thực hiện thẩm quyền kháng nghị hoặc báo cáo đề nghị VKSND cấp có thẩm quyền kháng nghị theo quy định là thiếu sót.
Từ vụ án trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông báo để các Viện kiểm sát nhân dân các cấp nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự.