Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

1. Nội dung vụ án

Nguyên đơn ông Phương trình bày:

Về nguồn gốc của thưa đất số 230a, số 89, tờ bản đồ số 01 có được là từ việc ông Việt, bà Loan mua của các hộ khác từ năm 1993 và năm 1998, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 20/05/2002, ông Việt, bà Loan xác lập hợp đồng tặng cho con trai của mình là ông Phương toàn bộ hai thửa đất nêu trên, hợp đồng được xác lập dưới tên gọi “Đơn sang nhượng đất”, ông Việt, bà Loan là người trực tiếp xác lập và ký dưới mục người làm đơn, có xác nhận của địa chính và Ủy ban nhân dân xã E. Kể từ thời điểm năm 2002 cho đến nay, vợ chồng ông Phương đã làm nhà, trồng các loại cây lâu năm trên đất, không ai có ý kiến gì về việc tặng cho. Mặc dù, nhiều lần ông Phương yêu cầu ông Việt, bà Loan giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện thủ tục sang tên nhưng cho đến nay ông Phương vẫn chưa được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất tặng cho. Do vậy, ông Phương khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng tặng cho được xác lập ngày 20/05/2002, buộc ông Việt, bà Loan tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Bị đơn ông Việt, bà Loan trình bày:

Ông Việt, bà Loan không đồng ý đối với trình bảy của nguyên đơn cho rằng Đơn sang nhượng đề ngày 20/05/2002 là hợp đồng tặng cho, mà đây là hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Việt, bà Loan với ông Phương nhưng chưa thống nhất về giá. Do ông Phương không trả tiền và ông Phương không thực hiện theo yêu cầu của ông Việt, bà Loan nên không thực hiện việc sang tên cho ông Phương. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác định đây là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, nhưng do ông Phương, bà Thu bất hiếu, đối xử với bố mẹ không ra gì, không làm tròn bổn phận của một người con nên ông Việt, bà Loan không đồng ý tặng cho nữa. Mặt khác, đây là đất của hộ gia đình nhưng chưa có sự đồng ý của ông Tiến, ông Nam (là các con của ông Việt, bà Loan) nên “Đơn sang nhượng đất” đề ngày 20/05/2002 là không đúng theo quy định, hiện nay ông Việt, bà Loan không đồng ý tiếp tục tặng cho ông Phương.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Thu (vợ ông Phương) thống nhất với lời trình bày của ông Phương.

Bà Hằng là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Tiến (đã chết) thống nhất với lời trình bày của bị đơn:

2. Quá trình giải quyết của Tòa án

Bản án sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 06/01/2021 của TAND huyện E, tỉnh ĐL quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được xác lập ngày 20/05/2002; buộc ông Việt, bà Loan phải thực hiện hợp đồng tặng cho ông Phương đối với thửa đất số 89 và thửa đất số 230a.

Ngày 15/01/2021, ông Việt kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm số 105/2021/DS-PT ngày 12/7/2021 của TAND tỉnh L quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phương; hủy hợp đồng tặng cho tài sản ngày 20/5/2002; buộc ông Phương trả lại cho ông Việt, bà Loan thừa đất số 89 và thửa đất số 230a; buộc ông Việt, bà Loan hoàn trả cho ông Phương giá trị tài sản trên đất là 216.948.080 đồng, giá trị thừa đất tăng lên là 232.544.100 đồng.

Ngày 09/8/2021, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận được đơn của ông Phương, đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 08/12/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giảm đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hủy Bản án phúc thẩm, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm số 09/2022/DS-GĐT ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Bản án phúc thẩm, giữ nguyên Bản án sơ

thẩm.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Thửa đất 89 có nguồn gốc từ việc ông Việt, bà Loan nhận chuyển nhượng của ông Phượng, bà Thoa vào năm 1993 bằng số tiền của ông Việt bà Loan có được do bán tài sản ở quê và được UBND huyện E cấp GCNQSDĐ ngày 20/9/1993; thừa đất số 230a có nguồn gốc từ việc ông Việt bà Loan nhận chuyển nhượng từ ông Y Gan Byă vào năm 1998, được UBND huyện E cấp GCNQSDĐ ngày 20/01/1999. Ông Việt cho rằng thửa đất số 230a là do con trai ông là ông Nam bán rẫy và hoa màu mua được, đất cấp cho hộ gia đình ông Việt và có công sức đóng góp của hai con trai ông là ông Nam và ông Tiến nhưng ông Việt, ông Nam, ông Tiến không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh số tiền mua đất là có đóng góp của ông Nam, ông Tiến. Ngoài ra, từ thời điểm ông Việt, bà Loan tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Phương cho đến thời điểm xảy ra tranh chấp, ông Nam và ông Tiến cũng không có ý kiến gì về việc tặng cho đất của ông Việt, bà Loan. Như vậy, ông Việt, bà Loan là chủ thể có quyền chuyển quyền sử dụng, tặng cho đất, phủ hợp với quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật đất đai năm 1993.

Ngày 20/5/2002, ông Việt viết tay “Đơn sang nhượng đất” có nội dung:

“Tôi có thổ đất sổ số B150370 và D0451911. Nay tôi chuyển nhượng cho con là Phương… với diện tích 1.000m : Phía Đông rộng 20m giáp đường 8m; Phía Bắc

dài 50m giáp ông Việt; Phía Tây rộng 20m giáp anh Nam và anh Hưng; Phía Nam dài 50m giáp chị Liên”.

Đơn sang nhượng đất có chữ ký của vợ chồng ông Việt, bà Loan và ông Phương và được địa chính xã xác nhận nội dung “Theo đơn xin cho lại đất của ông Việt cho con Phương là có thực” và được Chủ tịch UBND xã chứng thực. Ông Việt, ông Nam thừa nhận, đơn này do chính ông Việt viết. Như vậy, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Việt, bà Loan với ông Phương được lập thành văn bản và có công chứng chứng thực là đảm bảo về mặt hình thức theo quy định tại Điều 463 BLDS năm 1995.

Về nội dung: “Đơn sang nhượng đất” ngày 20/5/2002, mặc dù không ghi rõ tên số thửa đất nhưng có ghi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số B 150373 và D 0451911, có tứ cận và diện tích rõ ràng.

Sau khi được tặng cho đất, vợ chồng ông Phương đã làm nhà ở kiên cố, trồng cây ăn quả và sinh sống ổn định từ năm 2002 đến nay. Ông Nam, ông Tiến đều ở cạnh nhà ông Phương nhưng không có ý kiến phản đối. Quá trình hòa giải tại địa phương, tại Biên bản làm việc ngày 07/5/2019, ông Việt cũng thừa nhận việc cho con trai là ông Phương diện tích đất nêu trên.

Mặt khác, sau khi tặng cho đất, phía bị đơn đã nhiều lần thế chấp 02 thửa đất để vay tiền tại Ngân hàng nên phía nguyên đơn chưa làm thủ tục chỉnh lý sang tên được. Ông Phương, bà Thu cũng khai trong suốt quá trình giải quyết vụ án, vì tin tưởng bố mẹ nên chở con cái lớn sẽ làm thủ tục sang tên cho con luôn. Đồng thời, hiện nay ông Phương bị tai nạn và không có khả năng lao động, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đối với lời khai của ông Việt, bà Loan cho rằng, việc viết giấy sang nhượng đất cho ông Phương mục đích là cho ông Phương mượn để ở, sau này có cho hoặc là bán là tùy thuộc vào ông Việt nhưng ông Phương không thừa nhận điều này, bị đơn cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Đối với ý kiến của ông Việt cho rằng ông Phương, bà Thu không làm tròn bổn phận của người con, nên ông Việt không đồng ý tặng cho đất nữa thì thấy: trong giấy sang nhượng ngày 20/5/2002, các bên không thỏa thuận về điều kiện tặng cho quyền sử dụng đất, ông Việt, bà Loan cũng không cung cấp được tài liệu về việc các bên thỏa thuận về điều kiện tặng cho.

Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được xác lập ngày 20/05/2002 là có căn cứ. Bản án phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy hợp đồng tặng cho tài sản ngày 20/5/2002, buộc ông Phương trả lại cho ông Việt, bà Loan 02 thửa đất, buộc ông Việt, bà Loan hoàn trả cho ông Phương giá trị tài sản trên đất và giá trị thửa đất tăng lên là không có cơ sở. Do vậy, Quyết định giám đốc thẩm số 09/2022/DS-GĐT ngày 12/01/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng huỷ Bản án phúc thẩm, giữ nguyên Bản án sơ thẩm

You cannot copy content of this page