Tranh chấp kiện đòi tài sản tại tỉnh Đắk Lắk

Tranh chấp kiện đòi tài sản tại tỉnh Đắk Lắk

NỘI DUNG VỤ ÁN.

Bà Châu Thị M mở đại lý thu mua nông sản tại thôn 6,   , huyện C tỉnh Đ. Năm 2017, bà Nguyễn Thị L (vợ ông Phan Văn S) có vay của bà Châu Thị M số tiền 50.000.000 đồng.

Cuối tháng 3/2019, gia đình ông S thu hoạch tiêu và ký gửi 2.187,7 kg hạt tiêu khô cho bà Châu Thị M. Ông S thống nhất với bà M“Khi nào cần tiền sẽ bán số tiêu trên”. Sau đó, ông S mượn thêm của bà M số tiền 10.000.000 đồng. Số tiền này hai bên không quy định lãi suất và thời gian trả nợ. Khi nào ông S bán tiêu sẽ trả số tiền vay cho bà M.

Khoảng đầu năm 2021, ông S đến nhà bà M để thanh toán số tiền 50.000.000 đồng. Bà M tính lãi theo mức lãi suất là 20.000 đồng/01 triệu/01 tháng. Ông S đề nghị tính theo lãi suất ngân hàng, bà M không đồng ý.

Ông S khởi kiện yêu cầu bà M phải trả lại 2.187,7 kg hạt tiêu khô hoặc trả bằng tiền theo thời giá hiện tại. Đối với số tiền 60.000.000 đồng, nếu gia đình ông S không trả được thì bà M khởi kiện bằng một vụ án khác.

Bị đơn bà Châu Thị M cho rằng, ngày 18/4/2017, bà Nguyễn Thị L (vợ ông S) vay của Bà số tiền 50.000.000 đồng và hẹn mùa tiêu năm sau (năm 2018) sẽ trả, lãi suất hai bên thỏa thuận là 2%/tháng, nhưng không ghi vào giấy vay tiền. Bà M đã nhiều lần đòi số tiền trên, nhưng vợ chồng ông S không trả.

Khoảng tháng 9/2019, bà M đã đến nhà ông S cần tiêu để trừ số tiền vay 50.000.000 đồng. Tại thời điểm cân tiêu với giá 39.500 đồng/01 kg hạt tiêu khô. Sau khi tính số tiền vay và lãi suất, ông S nhận thêm 10.000.000 đồng và nói sẽ

tính toán lại sau. Như vậy, tính cả gốc và lãi, ông S còn nợ Bà khoảng 3.000.000 đồng, nhưng vợ chồng ông S không trả. Nay ông S thấy tiêu được giá nên khởi kiện yêu cầu tính giá tiêu theo thời điểm hiện tại. Do đó, bà M không đồng ý vì hai bên đã cân tiêu trừ nợ xong.

QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN

Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2021/DS-ST ngày 27/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Đ, quyết định:

“Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thanh S, yêu cầu bà Châu Thị M phải trả cho ông Phan Thanh S 2.187,7 kg hạt tiêu khô, trị giá 175.016.000 đồng (một trăm bảy lăm triệu, không trăm mười sáu ngàn đồng)”.

Bản án dân sự phúc thẩm số 01A/2022/DS-PT ngày 04/01/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ, quyết định:

“Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Phan Thanh S;

Không chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 02/KN-VKS-DS, ngày 12/10/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Đ.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 37/2021/DS-ST ngày 27/9/2021 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Đ”.

Ngày 04/8/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 60/QĐ-VKS-DS, theo hướng; sửa một phần bản án dân sự phúc thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thanh S, buộc bà Châu Thị M phải trả cho vợ chồng ông Phan Thanh S 16.647.027 đồng và sửa về án phí theo quy định.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 50/2022/DS-GĐT ngày 09/9/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng; sửa một phần bản án dân sự phúc thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phan Thanh S, buộc bà Châu Thị M phải trả cho ông Phan Thanh S 16.647.027 đồng và sửa về án phí theo quy định.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN RÚT KINH NGHIỆM

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định: Bà Châu Thị M đã nhận 2.187,7kg hạt tiêu khô từ gia đình ông Phan Thanh S vào năm 2019 để khấu trừ khoản nợ 50.000.000 đồng và tiền lãi mà bà Nguyễn Thị L (vợ ông S) vay từ ngày 18/4/2017.

Nguyên đơn ông Phan Thanh S và bị đơn bà Châu Thị M khai thời điểm cân tiêu không trùng khớp nhau, nhưng căn cứ vào lời khai của bà M thì có căn cứ xác định thời điểm cận tiêu vào tháng 3/2019. Do dương sự không nhớ ngày cụ thể, nên theo quy định của pháp luật xác định là ngày 31/3/2019.

Bản án phúc thẩm xác định việc bà M cần tiêu là nhằm thanh toán các khoản nợ, nhưng vẫn buộc ông Phan Thanh S phải chịu tiền lãi vay từ ngày vay (18/4/2017) đến ngày xét xử sơ thẩm (27/9/2021) là không có cơ sở. Ông S chỉ phải chịu lãi vay từ ngày 18/4/2017 đến ngày 31/3/2019 (ngày cần tiêu) mới đúng quy định.

Ngoài ra, các đương sự có tranh chấp về lãi suất, tòa án cấp phúc thẩm xác định lãi suất vay 10%/năm là đúng quy định, nhưng lại tính lãi suất vay quá hạn từ ngày 19/4/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 27/9/2021 là không có căn cứ vì bà M không có yêu cầu tính lãi quá hạn.

Như vậy, sau khi tính toán lại lãi suất và khấu trừ giá trị số tiêu bà M đã nhận thì bà M còn phải trả lại cho ông S số tiền thừa là 16.647.027 đồng. Nhưng bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông S và không tuyên buộc bà M phải trả lại cho ông S số tiền 16.647.027 đồng là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông S, từ đó tuyên về án phí cũng không đúng quy định.

You cannot copy content of this page