Thẩm quyền của Toà án
Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp bị đơn cư trú ở một nơi nhưng làm việc ở một nơi thì phải xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án là nơi bị đơn cư trú. Trong một số trường hợp bị đơn ở một nơi, hộ khẩu một nơi, làm việc một nơi thậm chí có trường hợp tạm trú một nơi nên việc xác định thẩm quyền của tòa án cũng gặp khó khăn. Trường hợp này để xác định nơi cư trú là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Trong trường hợp không xác định được nơi người đó thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú là nơi người đó đang sống để từ đó xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ được chính xác.
Bước 1: Nộp hồ sơ đơn phương ly hôn
Hồ sơ vụ án hôn nhân và gia đình là tập hợp các tài liệu, chứng cứ được các đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật tố tụng dân sự quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Các đương sự, cơ quan, tổ chức có quyền giao nộp tài liệu, chứng cứ ở tất cả các các giai đoạn của quá trình tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án và trên cơ sở các tài liệu chứng cứ mà đương sự giao nộp nếu xét thấy chưa đầy đủ hoặc trong những trường hợp do BLTTDS quy định thì Thẩm phán có quyền tiến hành thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng quy định của pháp luật. Thông thường trong vụ án về ly hôn thì các giấy tờ ban đầu mà nguyên đơn nộp kèm theo đơn khởi kiện (có thể là giấy tờ photo có công chứng) để làm căn cứ thụ lý vụ án bao gồm:
– Giấy đăng ký kết hôn;
– Giấy khai sinh của các con chưa thành niên (nếu có con);
– Giấy chứng minh thư hoặc sổ hộ khẩu của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan;
– Hộ chiếu của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu đương sự ở nước ngoài);
– Các lọai giấy tờ chứng minh về tài sản chung, tài sản riêng (nếu có yêu cầu phân chia)…
Các loại giấy tờ nêu trên nếu không phôtô công chứng thì đương sự phải xuất trình bản chính để tòa án so sánh, đối chiếu nhằm xác định tính xác thực của các loại giấy tờ đó.
Thẩm phán tiến hành kiểm tra lại một lần nữa đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện và tiến hành những biện pháp để thu thập chứng cứ theo quy.
Việc thu thập chứng cứ để xây dựng hồ sơ vụ án hôn nhân và gia đình của Thẩm phán được xác định trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của đương sự. Ví dụ như ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì định hướng thu thập chứng cứ phải tập chung vào quan hệ hôn nhân có hợp pháp hay không? mâu thuẫn vợ chồng đã thực sự căng thẳng chưa? về tranh chấp nuôi con thì ai là người có khả năng nuôi con tốt hơn căn cứ vào điều kiện gì? về tài sản chung của vợ chồng bao gồm những loại tài sản nào? công sức đóng góp của các bên vào khối tài sản chung đó ra sao?… và trong mỗi yêu cầu của đương sự thì phạm vi yêu cầu và mức độ yêu cầu đến đâu?
Bước 2: Nộp tiền tạm ứng án phí
Tòa án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải đến Chi cục thi hành án dân sự nộp tiền tạm ứng án phí. Trừ trường hợp có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng thì thời gian do có trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng không tính vào thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí. Ví dụ: do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện…
Bước 3: Thông báo về việc thụ lý vụ án
Sau khi được phân công giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành nghiên cứu hồ sơ khởi kiện và trong thời hạn 3 ngày làm việc Thẩm phán tiến hành Thông báo về việc thụ lý vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án. Trong nội dung thông báo thụ lý vụ án phải quy định về thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Toà án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có) và hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Toà án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn.
Bước 4: Tòa án triệu tập yêu cầu đương sự viết bản tự khai và giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ
Sau khi hết thời hạn được quy định trong thông báo thụ lý vụ án, Thẩm phán triệu tập các đương sự trong vụ án để họ thực hiện việc tự khai.
Trong vụ án về ly hôn, các đương sự tự khai về quan hệ hôn nhân như thời điểm kết hôn hoặc chung sống, có đăng ký kết hôn hay không, thời điểm phát sinh mẫu thuẫn vợ chồng và nguyên nhân, sau khi xảy ra mâu thuẫn thì vợ chồng sống chung hay sống riêng… Về con chung thì có bao nhiêu con; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của từng con; ai là người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; nguyện vọng và đề nghị nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng như thế nào?… Về quan hệ tài sản của vợ chồng thì có những tài sản gì chung, riêng; nguồn gốc của tài sản, ai đang quản lý sử dụng; những tài sản nào nguyên đơn, bị đơn đã thỏa thuận được và chỉ yêu cầu tòa án công nhận? Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu phân chia thế nào đối với tài sản…? Về công nợ thì vợ chồng có nợ ai không, có ai nợ vợ chồng không, yêu cầu giải quyết như thế nào… Về công sức có yêu cầu trích chia công sức trong thời gian chung sống cùng gia đình chồng hoặc vợ không, cụ thể yêu cầu ra sao? Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì hướng dẫn họ tự khai về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết về quyền và nghĩa vụ của họ.
Sau khi yêu cầu đương sự thực hiện việc tự khai, xét thấy các tài liệu chứng cứ mà các đương sự xuất trình chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì đương sự có quyền nộp chứng cứ ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào. Trong nhiều trường hợp bị đơn cố tình chây ỳ không giao nộp chứng cứ và các tài liệu liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn bởi nếu họ giao nộp thì có thể ảnh hưởng theo hướng bất lợi đến quyền lợi của họ. Thẩm phán thông báo cho đương sự biết những chứng cứ, tài liệu còn thiếu yêu cầu đương sự nộp bổ sung.
Bước 5: Ra các quyết định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp Hôn nhân gia đình
Sau khi Thẩm phán đã tiến hành thu thập chứng cứ và hòa giải vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà Thẩm phán ra các quyết định sau đây:
– Quyết định công nhận sự thoả thuận của của đương sự (Mẫu số 09a);
– Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự (Mẫu số 09b);
– Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. (Mẫu số 10a);
– Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. (Mẫu số 11a);
– Quyết định đưa vụ án ra xét xử khi các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ án, kể cả án nghĩa vụ chịu án phí hoặc mức án phí (Mẫu số 12).
Bước 6: Phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Thẩm phán tiến hành những công việc chung cho việc mở phiên tòa. Về trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình cũng được thực hiện theo quy định về việc xét xử sơ thẩm các vụ án dân sự nói chung.
Tuy nhiên, việc xét xử các vụ án về tranh chấp hôn nhân và gia đình có những đặc trưng riêng biệt đòi hỏi người Thẩm phán phải có kỹ năng nhận diện, phân tích, động viên, hòa giải đồng thời phải có kiến thức xã hội sâu sắc, am hiểu về tâm lý gia đình dựa trên những đặc thù của mối quan hệ hôn nhân để ra một bản án thật sự khách quan, toàn diện và đúng quy định của pháp luật.