Văn phòng luật sư Trần Toàn Thắng bào chữa bị can, bị cáo trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản
Ngày 14/02/2023, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình Bộ Công an tiến hành triệu tập làm việc 133 đối tượng là Ban lãnh đạo và nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt, đồng thời tiến hành khám xét tại trụ sở chính của Công ty Luật TNHH Pháp Việt ở địa chỉ số 07, Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh và 02 chi nhánh tại số 52-54 Thân Nhân Trung phường 13, quận Tân Bình và số 229/66 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh, thu giữ nhiều đồ vật (Máy vi tính bàn, vi tính xách tay, máy in, máy photo, điện thoại di động, …) và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Qua điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận đã lợi dụng việc núp bóng Công ty luật để thực hiện hoạt động đòi nợ thuê cho các Ngân hàng, Công ty tài chính.
* Kết quả điều tra, xử lý đối tượng liên quan trong vụ án:
Qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã xác minh làm rõ về vụ án, xử lý các đối tượng liên quan như sau:
Năm 2013, Trần Văn Châu, sinh năm 1980, cư trú 818/55/6A, Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh và Hồ Quốc Hùng, sinh năm 1987, cư trú 252C, Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, Tp.Hồ Chí Minh cùng làm chung tại Ngân hàng Standard Chater Việt Nam ở bộ phận xử lý nợ, sau đó chuyển sang làm ở Công ty tài chính Fe Credit. Do có kinh nghiệm trong việc xử lý nợ xấu và nhận thấy lĩnh vực thu hồi nợ dễ thu tiền, đồng thời muốn được tăng mức thu nhập nên vào tháng 3/2020 Châu bàn thống nhất với Hùng về việc liên kết với nhau và nhờ người quen giới thiệu với Công ty thu hồi nợ Phú Đức (thuộc quận Gò Vấp, Tp.Hồ Chí Minh) nhờ công ty này hợp đồng với các ngân hàng và công ty tài chính để tiến hành thu hồi nợ và nhận phí dịch vụ thu hồi nợ. Sau đó, Châu và Hùng tuyển thêm người là Nguyễn Đình Thành, sinh năm 1990; Nguyễn Minh Hoàng, sinh năm 1992 và tiếp tục tuyển thêm 10 nhân viên nữa để tiến hành các hoạt động thu hồi nợ.
Đến tháng 7/2020, do biết hoạt động thu hồi nợ không được cơ quan chức năng tiếp tục cấp phép hoạt động, đồng thời cũng vào thời điểm này, Châu biết được chị Vũ Thị Anh Đào, sinh năm 1977 là Luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh đang đứng tên làm Giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt tại số 911/3 Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh không còn nhu cầu và sẽ tạm ngưng hoạt động Công ty luật TNHH Pháp Việt. Do quen biết nhau từ trước nên chị Đào đồng ý sang nhượng lại Công ty luật TNHH Pháp Việt cho Châu (sang nhượng lại giấy phép đã đăng ký, chị Đào không lấy tiền của Châu) nhưng Châu phải tìm người đủ điều kiện để đứng tên trên giấy phép và tìm mặt bằng để Công ty luật TNHH Pháp Việt tiếp tục hoạt động. Châu đồng ý và đã liên hệ Luật sư Lê Thị Tuyết, sinh năm 1985, nơi cư trú số 15B/95, Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Tp.Hồ Chí Minh để thuê chị Tuyết đứng tên giấy phép kinh doanh, đồng thời tìm thuê mặt bằng tại địa chỉ số 7 Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh để đăng ký hoạt động.
Sau khi được phép, Châu và Hùng đã lợi dụng việc núp bóng Công ty luật để phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ. Việc quản lý, điều hành mọi hoạt động của công ty do Châu và Hùng quyết định, còn Tuyết chỉ được thuê đứng tên làm Giám đốc mà không đến trụ sở công ty làm việc và cũng không tham gia quản lý, điều hành các hoạt động của công ty, từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021 Tuyết được trả số tiền 10 triệu đồng/tháng và từ tháng 09/2021 đến khi công ty Pháp Việt bị Cơ quan Công an khám xét, Tuyết được trả số tiền 15 triệu đồng/tháng.
Quá trình hoạt động, Công ty Pháp Việt không thực hiện đúng chức năng đã đăng ký kinh doanh, không có chức năng đòi nợ thuê, tuy nhiên do hoạt động thu hồi nợ cho các ngân hàng và công ty tài chính có hiệu quả và thu lại lợi nhuận cao nên Châu và Hùng tuyển thêm nhân viên là lao động phổ thông vào làm tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt (gọi tắc là Công ty Pháp Việt) và thuê mặt bằng mở thêm 02 chi nhánh tại số 52-54 Thân Nhân Trung, phường 13, quận Tân Bình và số 229/66 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh để phục vụ cho việc thu hồi nợ, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác là các công ty tài chính và ngân hàng để ký kết hợp đồng dịch vụ hỗ trợ thu hồi nợ.
Đến thời điểm cơ quan Công an thực hiện lệnh khám xét vào ngày 14/02/2023, Công ty Pháp Việt có tổng số 415 nhân viên, trong đó đang làm việc 234 nhân viên và đã nghỉ việc 178 nhân viên, gồm: Lê Thị Tuyết đứng tên giấy phép làm Giám đốc công ty; 02 Phó Giám đốc là Trần Văn Châu và Hồ Quốc
Hùng; 03 Trưởng phòng – kiêm Trưởng nhóm (Nguyễn Đình Thành, Nguyễn Minh Hoàng và Phan Minh Kỳ); 20 nhóm với mỗi nhóm có 01 Trưởng nhóm và có từ 07 đến 22 nhân viên (có 01 nhóm đã giải tán) và 389 nhân viên.
Đối với nhân viên khi được tuyển vào làm việc tại Công ty Pháp Việt, điều kiện để được tuyển vào làm là tốt nghiệp cấp 3, ăn nói lưu lót và biết sử dụng máy vi tính. Trưởng nhóm trực tiếp hướng dẫn cách thức thu hồi nợ, các thủ đoạn đe dọa, khủng bố để đòi nợ người vay. Mỗi nhân viên được cấp 01 máy tính để bàn, làm việc tập trung tại công ty. Hàng tháng, các Công ty tài chính và Ngân hàng chuyển cho Công ty Pháp Việt (qua hình thức gửi email) các file thông tin về hợp đồng vay tiền của khách hàng nhưng chưa trả theo hợp đồng vay (nợ xấu). Khi nhận được các hợp đồng vay tiền của khách hàng, Châu và Hùng giao cho các Trưởng phòng và các Trưởng phòng sẽ phân chia cho các Trưởng nhóm để Trưởng nhóm giao cho các thành viên trong nhóm mình thực hiện việc đòi nợ đối với khách hàng. Sau khi được giao hồ sơ cùng thông tin cá nhân của khách hàng vay tiền, các Trưởng nhóm sẽ hướng dẫn nhân viên cách thức đòi tiền (Tháp giải pháp) gồm ba cấp độ, thứ nhất gọi điện nhắc nhợ và chửi bới, đe dọa để khách trả tiền; thứ hai gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình đăng lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, đe dọa cho mất việc làm; thứ ba đặt vòng hoa tang, bình gas, xăng, thực thẩm, đem đến nhà, cơ quan nơi khách hàng hoặc người thân của khách hàng đang làm việc để đe dọa, uy hiếp buộc trả tiền vay.
Quá trình đòi nợ, các Trưởng nhóm sử dụng các phần mềm TST Bảo hiểm xã hội, phần mềm Itun Qcheck, phần mềm PC-Covid để tra cứu, tìm kiếm các thông tin cá nhân của bị hại (khách hàng vay) và người thân, cung cấp cho các nhân viên trong nhóm để tiến hành việc thu hồi nợ; hướng dẫn các nhân viên trong nhóm sử dụng điện thoại có chức năng giả giọng nói để đổi giọng từ nữ sang nam giới hoặc ngược lại từ các miền khác nhau, sử dụng các sim không chính chủ (sim rác), lập và sử dụng các Zalo ảo gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. chửi bới, xúc phạm khách hàng vay (bị hại) và người thân. Các thành viên trong nhóm hỗ trợ nhau gọi điện đe dọa để tăng áp lực với khách hàng. Khi khách hàng trả tiền, các đối tượng yêu cầu gửi vào tài khoản của Ngân hàng hoặc Công ty tài chính mà khách hàng đã vay và chụp lại biên lai rồi gửi qua Zalo cho nhân viên Công ty để nhân viên báo cáo Trưởng nhóm và Trưởng nhóm gửi cho Ban Giám đốc nắm thông qua các Trưởng phòng để tổng hợp và đề nghị các Ngân hàng và Công ty tài chính thanh toán (chi trả) tiền thù lao dịch vụ thu hồi nợ định kỳ mỗi tháng.
Công ty Pháp Việt được hưởng lợi từ 24% đến 35% của số tiền đã thu hội được nợ vay của khách hàng do các công ty tài chính, ngân hàng chi trả (tuỳ thuộc vào thời gian nợ xấu của khách hàng được thể hiện trong từng hợp đồng vay). Mỗi tháng, Châu và Hùng sử dụng một phần của số tiền này (tiền phí thu được) để chi trả lương cho nhân viên làm việc ở Công ty Pháp Việt. Lương bản cho nhân viên là 6 triệu đồng/tháng, ngoài ra mỗi tháng nếu nhân viên đòi được vượt mức sàn từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng sẽ được nhận thêm tiền thưởng là 07%/số tiền vượt, đòi được từ 100 triệu đồng đến dưới 180 triệu đồng sẽ được nhận 08%/số tiền vượt; đòi được từ 180 triệu đồng trở lên sẽ được nhận 09%/số tiền vượt, trường hợp nếu nhân viên đòi nợ trong 3 tháng liên tục có tổng số tiền đòi được dưới 90 triệu đồng sẽ bị sa thải. Lương cơ bản của các Trưởng nhóm là 12,5 triệu đồng/tháng, ngoài ra nếu tổng doanh thu (số tiền nợ đã đòi dược) của các nhân viên trong nhóm dưới 700 triệu đồng/tháng thì tiền thưởng là 0,9% của tổng doanh thu; nếu thu được từ 700 triệu đồng/tháng trở lên thì được hưởng là 1,1% của tổng doanh thu.
Hàng tháng, Châu và Hùng tổ chức họp với các Trưởng phòng và Trưởng nhóm để đánh giá kết quả hoạt động thu hồi nợ trong tháng và đề ra phương hướng, kế hoạch của tháng tiếp theo. Thông qua cuộc họp, Châu và Hùng đã hướng dẫn, chỉ đạo các Trưởng phòng, Trưởng nhóm về việc tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc nhân viên trong nhóm được giao quản lý tăng cường các hoạt động, biện pháp thu hồi nợ trong đó có việc đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với khách hàng để buột họ phải trả nợ vay nhằm đạt được doanh số thu hồi nợ và đem lại lợi nhuận cho Công ty Pháp Việt theo yêu cầu đặt ra. Các Trưởng phòng, Trưởng nhóm tổ chức họp triển khai cho các nhân viên trong nhóm để thực hiện.
Trong quá trình thu hồi nợ cho các ngân hàng và công ty tài chính, đến tháng 01/2021 Châu và Hùng đã cho chị Ngô Thị Phương, sinh năm 1983, nơi cư trú 144A, Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh và chị Đặng Thị Hồng Văn, sinh năm 1980, cư trú: 229/40/19, Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh tham gia góp vốn với số tiền 05 tỷ đồng (mỗi người góp 2,5 tỷ) vào Công ty pháp Việt để chia lợi nhuận, Châu và Hùng mỗi người nhận lấy 2,5 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Lợi nhuận hàng tháng mà Công ty Pháp Việt có được từ việc thu hồi nợ, Châu và Hùng dùng để chi trả lương, thưởng cho các nhân viên và các chi phí khác phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ (tiền thuê mặt bằng, điện nước, văn phòng phẩm, …) số tiền còn lại thì Châu và Hùng chia nhau sử dụng. Hàng tháng, Châu và Hùng mỗi người được nhận (hưởng lợi) khoảng từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, riêng năm 2022 thì khoảng 02 tỷ đồng/người/tháng. Đối với 02 người góp vốn là chị Phương và chị Văn, mỗi tháng được Châu và Hùng chia lợi nhuận với số tiền từ 100 triệu đến 300 triệu đồng/người qua chuyển khoản.